Ngành công nghiệp làm đẹp chịu tác động lớn từ giá Collagen tăng. Ảnh: Adweek

“Giá của peptide Collagen đã và đang chứng kiến mức tăng gấp đôi từ cuối năm 2017”, phát ngôn viên của một nhà sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khỏe cho hay. Cụ thể, tại Nhật Bản, giá mua Collagen đã tăng đến 3.000 Yen (27,70 USD), cao hơn nhiều so với mức 2.000 Yen ghi nhận năm 2018.

Được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc da, Collagen rất được ưa chuộng với khả năng làm mềm da, chậm quá trình lão hóa và hỗ trợ xóa nếp nhăn... Với những công dụng này, ngành công nghiệp thực phẩm chức năng đã phát triển peptide Collagen trở thành một thành phần phổ biến trong các sản phẩm hỗ trợ cải thiện vẻ đẹp bên ngoài và giảm đau khớp. Ngoài ra, Gelatin cũng được chiết xuất từ Collagen. Trong đó, Gelatin được lấy từ da cá rô phi hoặc da lợn và đây là hai nguồn cung cấp collagen chủ yếu.

Trên thế giới, Trung Quốc là nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới với khả năng kiểm soát hơn 50% nguồn cung toàn cầu. Thêm vào đó, quốc gia này cũng là nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất sang Mỹ. Trong năm ngoái, nguồn cá rô phi của Trung Quốc chiếm 86% lượng hàng nhập khẩu Mỹ, tổng giá trị lên đến 464 triệu USD.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và sử dụng Collagen không chỉ bó buộc ở Mỹ. Nói một cách rõ ràng, việc giá Collagen tăng mạnh trên toàn cầu được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Theo Tổ chức nghiên cứu minh bạch quốc tế, thị trường Collagen toàn cầu sẽ mở rộng hơn nữa với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 9,4%, dự kiến sẽ chạm mốc 9,37 tỷ USD vào năm 2023.

Do nhu cầu tăng quá cao, nhiều người nuôi cá rô phi tại Trung Quốc cũng bắt đầu tự sản xuất nguồn Collagen của riêng mình. Song chính điều này đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn da cá nghiêm trọng và giá nguyên liệu ngày một tăng.

Trước nguồn cung khan hiếm do nhu cầu khủng, ngành công nghiệp này phải chịu một đòn giáng mạnh hơn khi Mỹ áp thuế 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó bao gồm có cá rô phi. Hậu quả là giá cả lại tiếp tục đẩy lên cao hơn.

Ngoài da cá, thành phần chính làm nên Collagen cung cấp cho ngành công nghiệp làm đẹp đến từ da lợn cũng đang chững lại. Vấn đề xảy ra khi Trung Quốc đã và đang chịu ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh đã lây sang Hongkong – nơi hàng ngàn cá thể lợn bị tiểu hủy để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Khi tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, cá da trơn là nguồn nguyên liệu thay thế có thể coi là duy nhất. Như vậy, để cải thiện vấn đề này, các nhà sản xuất, cũng như chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tăng trưởng vững chắc cho ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Straitstimes News)