Bà Nguyễn Thị Điểu trồng tràm gió ngay trong vườn nhà

Trước đây, toàn bộ diện tích đất được chị Thu Hương, ngụ tại thôn Phước Hưng trồng tràm nguyên liệu gỗ. Năm 2018, nhận thấy cây tràm gió cho lợi ích lâu bền hơn, chị mạnh dạn bỏ vốn trồng thử ba sào. Chị Hương cho biết: “Không ngờ ba sào tràm gió phát triển tốt. Thế là mình tăng diện tích, trồng cả 1,3 ha tràm gió. Đến nay đã cho thu hoạch kha khá”. Tổng số vốn chị Hương bỏ ra là 45 triệu đồng. Vì vùng đất cát bạc màu, giữ ẩm kém, chị đã lót lớp đất đỏ để tăng chất dinh dưỡng và độ ẩm cho cây.

Bà Nguyễn Thị Điểu, 72 tuổi là một trong nhiều hộ trồng tràm gió ngay trong vườn. Trước đây, vườn nhà bà Điểu trồng cây tạp, sắn, chuối. Tháng 3/2018, bà mua 1.400 cây tràm gió, thay thế toàn bộ cây trồng trên đất sản xuất của mình. “Lứa tràm đầu tiên được bán với giá 4.000 đồng/kg. Bây giờ giá tràm tăng hơn nhiều. Chỉ cần chăm bón tốt, tràm cho thu hoạch hàng chục năm, một năm từ 2-3 lần. Cây càng lớn thì lượng lá càng nhiều, năng suất tăng dần qua từng năm. Đó là chưa kể tiền bán giống”, bà Điểu hồ hởi.

Niềm vui lớn nhất của bà Điểu còn là cách thu mua tràm gió. Người mua đến tận vườn, tự thu hoạch (bứt lá tràm bằng liềm), sau đó cân và chở đi. Bà Điểu chỉ việc quan sát, đếm tiền và chăm bón chờ mùa vụ tiếp theo.

Cách trồng tràm gió không khó. Tràm gió là loại cây lâu năm, mật độ trồng tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mục đích, có thể linh động theo nhu cầu như trồng riêng hoặc xen với các loại cây bụi sẵn có với mật độ trên dưới 18.000 cây/ha. Tràm được trồng bằng phương pháp đào hố, hàng cách hàng 1m, cây cách cây 0,5m. Chế độ chăm bón, nước tưới của loại cây này khá đơn giản, quan trọng nhất là ánh sáng mặt trời và giữ ẩm lúc cây còn non.

Ông Trương Viết Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thủy cho biết: “Trên địa bàn xã hầu như không còn tràm gió tự nhiên. Năm 2016, có ba hộ gia đình tiên phong trồng tràm gió, diện tích 3ha. Đến nay, thấy được lợi ích thiết thực, hơn 60 hộ đang mở rộng phát triển loại cây này, nâng tổng diện tích lên hơn 12 ha”.

Trên địa bàn xã có hơn 50 hộ nấu dầu tràm thường xuyên, chưa kể rất nhiều hộ nhỏ lẻ. Nhu cầu sản xuất, mua bán tràm gió ngày càng tăng cao. Vùng nguyên liệu tự nhiên tại Lộc Thủy đã tận diệt, các vùng tràm tự nhiên của Phong Điền, Quảng Trị… bị khai thác cạn kiệt. Giá tràm gió nguyên liệu tăng liên tục, từ 1.500-1.700 đồng/kg năm 2014, đến nay mức giá xấp xỉ 5.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khan hiếm.

Để hỗ trợ bà con nông dân, chính quyền, Hội Nông dân Lộc Thủy thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tư vấn về giống, phân bón. Việc định hình thương hiệu, nhất là đảm bảo chất lượng dầu tràm Lộc Thủy luôn được quan tâm. Tuy nhiên, ông Du vẫn trăn trở: “Thương hiệu đã được khẳng định, song dầu tràm Lộc Thủy vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Dầu tràm Lộc Thủy cần “bà đỡ” để bà con mạnh dạn hơn, đầu tư đúng đắn vào việc phát triển vùng nguyên liệu. Đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra cho sản phẩm”.

Ngoài là nguồn sinh kế chính của hàng trăm hộ dân, dầu tràm còn là một sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Lộc Thủy. Trên trục đường Bắc-Nam, sự xuất hiện của dầu tràm ngay vùng đất cằn cỗi là minh chứng, cũng là cách quảng bá cực kỳ hiệu quả cho sản phẩm truyền thống này.

Người dân Lộc Thủy đang từng ngày thay đổi quan niệm “bóc ngắn cắn dài”, khai thác tận diệt. Giờ đây, những vùng đất cằn cỗi đang được thay bằng những vườn tràm gió cho thu nhập khá. Chỉ cần có thêm động lực, việc canh tác, sản xuất tinh dầu tràm sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững cho vùng quê này.

Bài, ảnh: Mai Huế