-Chị ơi, mua giúp em bó đũa- Người phụ nữ nài nỉ, chìa ra bó đũa tre mời khách.

Trời đã trưa, đang vội, lại nóng, tôi xua tay, từ chối, tranh thủ vào chợ.

-Chị mua giúp em một chục cũng được- Người phụ nữ vẫn kiên nhẫn van nài.

Cực chẳng đã, tôi mua giúp chị hai bó đũa 20 đôi với giá 20.000 đồng. Bó đũa được buộc dây lạt, bên ngoài nhẵn nhụi, màu tre vàng óng.

Về nhà, tôi cẩn thận mở bó đũa, rửa sạch. Thật bất ngờ, khác với vẻ nhẵn nhụi ban đầu, bên trong, có nhiều chiếc đũa không được vót kỹ, to nhỏ không đều. Nhiều chiếc cong vênh.

Trưa ấy, thử những đôi đũa tre vừa mua, cả nhà đều thất vọng.

-Dùng đũa này con thấy thức ăn kém ngon mẹ ạ- Con trai nhận xét, khi đôi đũa tre lệch khiến bàn tay lóng ngóng khi gắp thức ăn.

“Đến đôi đũa mà cũng làm dối”, tôi nghĩ bụng và quyết định bó lại những chiếc đũa, không dùng nữa.

Hôm sau ghé vào chợ, lại thấy chị trong chiếc áo chống nắng lùm xùm, găng tay kín mít. Chiếc khăn bịt mặt chỉ chừa đôi mắt.

-Chị ơi mưa giúp em bó đũa- Vẫn cái giọng van nài ấy.

-Mua làm gì. Đũa của chị làm dối như thế, cong vênh như thế, có gắp được thức ăn đâu mà mua. Mà làm thế, người ta chỉ mắc lừa một lần thôi- Tôi nặng giọng.

Có lẽ sợ tôi làm ồn, lỡ chuyện, chị lẳng lặng xách cái giỏ đựng đũa, lánh đi.

Những ngày sau, ghé chợ, tôi không thấy chị đứng bán đũa nữa. Nghĩ bụng, chắc chị ta đã chuồn đi nơi khác để nài nỉ khách rủ lòng mua những đôi đũa làm dối, tôi hỏi dò bác giữ xe trước cổng chợ. “Không biết sao nhiều ngày nay không thấy bà ấy. Bà ấy cũng khổ. Nghe đâu bị bỏng từ nhỏ, bàn tay co quắp”.

Nghe bác giữ xe kể, tôi mới vỡ lẽ ra về những đôi đũa thô tháp, cong vênh của chị...

Tối ấy, tôi đem những chiếc đũa cong vênh ấy, cẩn thận vót lại từng chiếc, từng chiếc một. Chỉ là trau chuốt lại những chỗ thô ráp, cong vênh mà sao chật vật, dù đôi tay lành lặn.

Tôi cứ vót mãi, cho đến tận khuya, để vơi đi cảm giác có lỗi với chị ...

Nhật Nguyên