Đã là phóng viên, nếu không vác ba lô lên đường, có khi những phản ánh của mình ngày càng trở nên xơ cứng, kém sức hấp dẫn. Ảnh: P. Thành

Nếu chiết tự thì: du - nghĩa là đi, ký là ghi chép – ghi trên đường đi. Cái thú của thể loại này là sự khám phá và ghi nhận những điều mới mẻ. Vì mới cho nên nó tạo nhiều cảm xúc. Người nhạy cảm thì có khi ghi lại được nhiều đoản văn hay, mới, lạ. Hơn thế nữa, đó là những kiến  thức về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đẹp; phong tục tập quán độc đáo của từng vùng đất… được thu lượm để cung cấp cho người đọc.

Trí tưởng tượng của con người dù có phong phú đến đâu cũng khó mà sánh được với thực tế. Nói một cách khác, đứng trước thực tế, đôi khi con người chúng ta cảm thấy trí tưởng tưởng của mình trở nên nghèo nàn. Dicovery là một thể loại phim phản ánh thực tế sống động mà ta từng biết. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cũng chỉ tính từ trước chục năm và sau 1945 đến nay, đã sinh ra những nhà văn viết ký “cự phách”. Đó là Vũ Trọng Phụng với hàng loạt phóng sự phản ánh hết sức chân thực nhiều ngóc ngách của đời sống đô thị Hà thành thời đó. Ông được mệnh danh là “cây phóng sự Bắc kỳ”. Số Đỏ là một tác phẩm đỉnh cao của thể loại này. Sau đó nữa là Nguyễn Tuân và gần đây nhất có Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều cây bút khác…

Tôi không hề có ý và không dám nêu những điều như vậy để so sánh với các cây “đại thụ” về ký nước Việt. Nhưng từ những chuyến đi, cũng làm cho những trang viết của mình, dù có thể chưa hay, chưa sắc sảo… nhưng cũng tự hài lòng và rút ra một điều – nếu không có những chuyến đi, chưa chắc gì mình có những hiểu biết hơn về cuộc sống; về những nơi mình đến; về đời sống của người dân; về cảnh đẹp; về văn hóa… và về cách ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Trong chuyến đi làm ký sự bên đất bạn Lào xem thử bà con Huế mình làm ăn sinh sống ra sao, chúng tôi đã có những kỷ niệm khó quên. Đó là những ngày từ Pakse về Mường Khón – cách nhau 170km. Mục đích về đây là ghi hình cá heo nước ngọt, chỉ có duy nhất sống ở khu vực này trên dòng Mekong huyền thoại. Loài cá heo nước ngọt ngược dòng đến đây, nó vấp phải thác Khonphaphen kỳ vĩ. Nơi này lại có nhiều thức ăn nên trở thanh nơi “định cư” duy nhất của loài cá heo nước ngọt. Từ bên này bờ Mekong nhìn qua bên kia là Campuchia.

Muốn đến đây, chúng tôi phải tìm đến phà Mường Khón. Trước khi đi chúng tôi xác định phải ở lại một đêm trong các bản Lào. Để chuẩn bị đi, chúng tôi tìm gặp một người Huế đang sinh sống ở Pakse giỏi tiếng Lào để thông qua điện thoại khi cần nhờ trợ giúp. Và thực tế đúng như vậy. Dù dùng hết “ngôn ngữ cơ thể” để diễn đạt nhưng vẫn không làm sao để những người Lào hiểu mà chỉ đường cho chúng tôi tìm đến bến phà. Thế là thông qua điện thoại để người bạn Huế trợ giúp. Từ đó, đi đến đâu khi cần, chúng tôi đều dùng phương thức này. Sở dĩ phải làm theo một cách làm “lạc hậu và đầy mạo hiểm như vậy” là vì… nghèo, không đủ kinh phí để trang trải thêm cho công việc của phiên dịch. Thế nhưng hiệu quả công việc vẫn tạm hài lòng.

Chúng tôi thuê thuyền đi trên dòng Mekong và may mắn ghi lại được ba hình ảnh hiếm hoi của cá heo nước ngọt nổi lên mặt nước. Họ bảo rằng không phải ai cũng có dịp chỉ một ngày ở đây mà thấy được cá heo nước ngọt. Tại đây, chúng tôi cũng ghi được những hình ảnh đẹp của thác Khonphaphen hùng vĩ; đền Vatphu là di sản văn hóa thế giới đầy những dấu tích điêu tàn nhưng gợi nhiều cảm xúc. Một chuyến đi như vậy, khó có trí tưởng tượng nào bằng.

Đã là phóng viên, nếu không vác ba lô lên đường, có khi những phản ánh của mình ngày càng trở nên xơ cứng, kém sức hấp dẫn. Bởi cuộc sống ở ngoài kia là muôn hình vạn trạng. Nó nuôi dưỡng cảm xúc, nó bắt con người ta phải nhìn ngó, quan sát, ghi nhận, phân tích, tổng hợp, liên tưởng… Nói chung là nó “chỉ” cho con người ta những cái cần làm, ít nhất là với những người cầm bút.

Hôm đi làm ký sự ở Tây Nguyên hay miền Đông Nam bộ cũng vậy. Có đi mới biết ở Krông Năng có 7-8 xã toàn là người Huế. Địa danh của xã cũng được ghi là địa danh của Huế, như Tam Giang, Phú Xuân, Phú Lộc… Từ Ban Mê Thuột về Krông Năng hơn 60km, con đường dẫn vào huyện có cảm nhận nó không khác gì mấy nếu từ Huế đi về Phú Vang, Quảng Điền. Cũng những hàng chè tàu trước nhà. Cũng quán bún bò Huế, cơm hến, bèo nậm lọc. Có những quán nhậu có cả cá kình, cá dìa… là những loại đặc sản đầm phá Tam Giang được chuyển vào  đây.

Giọng nói của người Huế có lẽ là một thứ khó thay đổi nhất. Trẻ con chưa một lần sống trên đất Huế, mà sinh ra, lớn lên trên vùng đất bazan mịt mù nắng gió, mấy mươi năm rồi trôi qua, giọng Huế vẫn cứ “trọ trẹ” như là Huế “gộc”. Chúng tôi cũng lấy làm vui và tự hào khi lần tìm rồi gặp được hai tổng giám đốc của hai tập đoàn lớn trong cả nước là Tổng công ty Xây dựng Hòa Bình và Tổng công ty Tôn Đông Á, là người Huế. Tổng công ty Xây dựng Hòa Bình là một trong hai tập đoàn mạnh về xây dựng trong cả nước. Công ty đã thi công hàng trăm công trình nhà cao tầng trong cả nước, đặc biệt là ở TP. Hồ chí Minh do anh Hải, người ở An Cựu làm Tổng Giám đốc. Còn anh Trung làm Tổng Giám đốc thương hiệu lớn Tôn Đông Á là người làng Dương Nổ. Năm ngoái anh có về Huế làm việc với lãnh đạo tỉnh, không biết Tôn Đông Á có ý định đầu tư gì về Huế hay không?

Những ngày rong ruổi dọc ngang trên nhiều vùng đất, tôi có dịp gặp được nhiều người Huế xa quê. Tôi để ý thấy điều này, hình như cái chất thơ của Huế là một phần không thể thiếu ở rất nhiều người. Họ thích nhạc, thích thơ. Trong cái rộn ràng của phố thị, vẫn có một góc nào đó nhẹ nhàng cho những riêng tư. Rất Huế chính là ở chỗ này.

Nguyên Lê