Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Hồng Hạnh đại diện Quỹ Sen Xanh của báo trong một dịp tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHAN THÀNH
Đồng hành
Tình cờ, chúng tôi gặp rồi quen một chàng trai người Cơ Tu tên Hồ Khánh An, khi cùng giúp đỡ một trường hợp khó khăn. Anh là giáo viên tiểu học. Ngoài chuyên môn, chàng trai tuổi đời mới chớm 30 này sớm có cái nhìn chia sẻ với những phận người kém may mắn, nên anh rất nhiệt tình làm việc thiện. Anh hỏi, ở quê em còn nhiều cụ già cô đơn nghèo khổ lắm, chị giúp được không? Và chúng tôi lên kế hoạch làm cầu nối giúp những người nghèo khó cô đơn của hai xã miền núi thuộc huyện Nam Đông, mong “giúp được ai khó khăn hơn mình thì giúp…”.
Chuyến đi dự định vào tuần đầu của tháng 6, Khánh An đã “liên kết” với Bí thư Xã đoàn Thượng Nhật lên kế hoạch để giúp chúng tôi. Thế nhưng, chuẩn bị xuất phát từ Huế thì bất ngờ bạn của An bị tai nạn giao thông qua đời. Sự ra đi đột ngột của Bí thư Xã đoàn 30 tuổi, khiến cả nhóm bàng hoàng và chuyến đi đành gác lại.
Khi chúng tôi còn e ngại thì Khánh An chủ động liên lạc, giọng còn buồn: “Anh chị lên đi, sẽ có người dẫn đường… Các ôn mệ già rồi, thời gian còn ít lắm, giúp sớm ngày nào tốt ngày đó”. Thái độ trách nhiệm đến cùng của chàng trai khiến chúng tôi không thể chậm trễ. Và, dù nắng nóng lên tới 40 độ C, cả nhóm đã hội tụ tại Nam Đông một tuần sau đó …
Quỹ Sen Xanh Báo Thừa Thiên Huế phối hợp Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tặng 1 nghìn suất quà cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh: QUỲNH ANH
Con đường từ Huế lên Nam Đông khoảng 50km, nếu trước đây là một hành trình vất vả thì nay là một chặng đường đẹp, nhiều đoạn đã có hai chiều rộng thênh. Một bạn trong đoàn nói, với con đường này, ít năm nữa mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội của Nam Đông sẽ thay đổi lắm đây. An thêm vào “đang thay đổi từng ngày, nhờ tầm nhìn rộng về miền Tây của tỉnh đó anh, chị...”.
Chuyến đi được Khánh An chuẩn bị kỹ. An xin ý kiến của chủ tịch hai xã Thượng Nhật và Hương Hữu, chọn 10 hoàn cảnh thật sự khó khăn để Quỹ Sen Xanh Báo Thừa Thiên Huế có hướng giúp đỡ. 8 giờ sáng bắt đầu, lo không đủ thời gian nên chúng tôi chia thành hai nhóm. Điều rất cảm động, đó là ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác nhiệt tình của chính quyền và bà con hàng xóm…
Anh Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu áy náy: “Các cụ khó khăn cũng một phần lỗi của chúng tôi, nhưng xã còn nghèo… Chúng tôi luôn quan tâm, có ai giúp, ai hỗ trợ là chia sẻ nhưng cũng chỉ là giúp đột xuất”.
Chiều muộn, sau một ngày làm việc cả nhóm cùng ăn bữa cơm ven đường rừng mà khuôn mặt các thành viên chẳng ai vui. Vui sao được khi cả 10 trường hợp đều là những người cao tuổi, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, những mệ đã một đời lam lũ cho chồng cho con nhưng cuối cùng chịu cảnh hẩm hiu cô quạnh, có trường hợp không hôn nhân nhưng có đến hai con bị thần kinh, lúc trẻ còn cố gượng, nay về già trở thành ba con người không nguồn sống…
Trao kinh phí hỗ trợ đợt 2 xây nhà nghĩa tình biển đảo cho mệ Lê Thị Chung. Ảnh: HỮU PHÚC
Chúng tôi đã cố gắng giúp mỗi cụ có ít nhất 10kg gạo mỗi tháng cùng chai dầu ăn, gói bột nêm. Một lần thì dễ, nhưng để thường xuyên là cả một vấn đề. Và, ngay sau khi kêu gọi, đã có năm cụ được nhận nuôi lâu dài, còn lại đang tạm hưởng mỗi người một suất quà gồm gạo, muối, dầu ăn trị giá 200.000 đồng/tháng.
Kết nối những tấm lòng
Mỗi khi chúng tôi thông tin về một hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, sẽ nhanh chóng có những dòng thông tin hồi báo: “cho mình giúp bà, giúp em, giúp hoàn cảnh, a, b, c… 200.000 đồng, cho mình giúp ít sách vở, cho mình giúp phần dầu ăn, mắm muối…” là niềm vui của chúng tôi đã đong đầy. Nhưng xúc động hơn là những bạn đọc, mạnh thường quân sau khi giúp đỡ còn nhắn thêm “đừng ghi tên mình nhé, chỉ là chia sẻ thôi” hoặc “mình cũng khó, chỉ giúp được chút chút, bạn chịu khó chứ đừng phiền…”. Làm sao chúng tôi phiền được! Làm từ thiện… ăn lương, đôi khi chúng tôi như người còn “mắc nợ” người đồng hành, những mạnh thường quân là vậy!
Nhiều khi vui đến muốn khóc khi đọc được những lời nhắn gửi trên mạng xã hội sau khi chúng tôi thông tin về một trường hợp cần giúp đỡ. “Ng. ơi, cháu này người Huế mình tề, chuyển dùm chút đi, kêu mọi người cùng làm nhé”. Hay Quỹ Huế Hiếu học ở TP. Hồ chí Minh biết được thông tin đã gọi điện trao đổi với chúng tôi cách thức trao tiền sao cho hiệu quả nhất.
Và cứ thế, mỗi một suất quà, dù nhỏ đến được với người nghèo là vui!
Quỹ Sen Xanh đã hơn 1 tuổi, những gì chúng tôi làm được chưa đáng là bao. Nhưng hơn một năm qua, đã nhiều lần chúng tôi vỡ oà cảm xúc khi giúp được một hoàn cảnh khó khăn hay nhận được sự giúp đỡ của mạnh thường quân, những tấm lòng nhân ái từ trong, ngoài tỉnh hay ở nước ngoài như Pháp, Canada, Nga; của một tiểu thương hay chị nông dân còn nghèo nhưng vẫn muốn san sẻ. Vui vì chính chúng tôi cảm nhận được lòng nhân đạo của cộng đồng khi nào cũng vun đầy, cũng sẳn sàng san sẻ yêu thương, cho những em nhỏ hiếu học, học giỏi gặp cảnh ngặt nghèo, những người già yếu cô đơn, bệnh tật,… Và nhận ra, bất cứ hoàn cảnh nào đó lâm vào khốn khó nếu được chia sẻ, đều sẽ có bàn tay của cộng đồng, cụ thể là những bạn đọc của báo, đồng cảm và sẻ chia. Cũng vậy, vui vì nhận ra sự sáng suốt, ân tình, nhân văn của lãnh đạo Báo Thừa Thiên Huế khi quyết định thành lập Quỹ Sen Xanh.
HƯƠNG GIANG