Học sinh dân tộc thiểu số thực hành kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế
Học nghề để lập nghiệp
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Nguyễn Thành Lương (ở Thượng Nhật, Nam Đông) đăng ký học chuyên ngành cơ khí ở Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế. Quyết định này khá khó khăn với Lương vì em thi đậu đến 3 trường đại học. Lương chia sẻ: “Với gia cảnh khó khăn, học nghề là lựa chọn tối ưu, bởi em được miễn học phí, được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt. Ngoài thời gian học, em còn đi làm thêm để trang trải cuộc sống, gửi tiền về cho gia đình. Điều quan trọng nữa là học nghề dễ xin việc làm”.
Vóc dáng thư sinh, Lương bảo khá vất vả khi học nghề cơ khí đòi hỏi phải lao động chân tay nhiều, nhưng em luôn cố gắng để hoàn thành tốt các bài tập để có thể thạo nghề ngay khi ra trường. Tự tin, nhanh nhẹn, Lương vạch ra tương lai rõ ràng: “Sau khi ra trường, rèn luyện tay nghề vững vàng, em sẽ đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Nhật để tích lũy vốn, kinh nghiệm về quê mở xưởng cơ khí. Đây là con đường giúp gia đình thoát nghèo”.
Từ xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, Hồ Thị Giang cũng vượt núi về học cao đẳng công tác xã hội ở Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế. Vốn thích các hoạt động xã hội, đây là ngành học giúp Giang phát huy được sở trường. “Hoạt động xã hội là những trải nghiệm thú vị và bổ ích để em phát huy mặt mạnh và khắc phục sự rụt rè, thiếu tự tin, trang bị các kỹ năng mềm. Sau hai năm học ngành này, em dạn dĩ, ăn nói lưu loát và tự tin hơn. Công việc cũng giúp em có thể đóng góp nhiều hơn cho bản làng của mình”, cô sinh viên miền núi chia sẻ.
Không còn những bỡ ngỡ, 120 học sinh nội trú của Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế đến từ hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, môi trường học tập mới. Phong tục tập quán, lứa tuổi cũng tương đồng nên không ai cảm thấy lạc lõng trong môi trường mới. Các em cùng sinh hoạt, vui chơi, giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. “Chúng em rất biết ơn khi được Nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí ăn, ở, sinh hoạt để trang bị cho chúng em nghề nghiệp tương lai. Đây là cơ hội để chúng em trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nên ai cũng cố gắng học tập”, Hồ Văn Thang đến từ xã Hồng Kim, A Lưới bày tỏ.
Dễ kiếm việc
Chương trình đào tạo nghề cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế triển khai từ năm 2016. Trong hai năm học 2017 và 2018, nhà trường tuyển sinh được 120 em theo học trung cấp và cao đẳng các ngành nghề: may, cơ khí, điện, công tác xã hội… Trong đó, có 8 em ở huyện Nam Đông, số còn lại ở A Lưới, chủ yếu theo học ngành may và cơ khí.
Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế cho hay: “Không chỉ được miễn học phí, học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo và khuyết tật còn được Nhà nước trợ cấp học bổng với mức 1.0 lương cơ sở mỗi tháng. Những em không thuộc diện nghèo và khuyết tật nhưng tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng 80% mức lương cơ sở. Chính sách này mở ra cơ hội trang bị nghề nghiệp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, một em học ra nghề có việc làm ổn định thì có thể giúp gia đình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo".
Học sinh dân tộc thiểu số được bố trí ở nội trú trong ký túc xá của trường, ăn uống đều được nhà trường lo lắng chu đáo nên khá thuận tiện. So với ở nhà, sống ở đây các em đầy đủ điều kiện hơn, được vui chơi với nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Ông Trần Ngọc Bao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ học sinh sinh viên, Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế cho hay: “Các em về đây học còn khá nhỏ, mới tốt nghiệp THCS hoặc THPT lại phải xa gia đình nên chúng tôi quan tâm sát sao đến mọi sinh hoạt, xem như con cái của mình. Sáng đến tận giường gọi các em dậy đi học, nhắc nhở giờ học, giờ chơi, chăm sóc lúc ốm đau, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tâm lý của tuổi mới lớn…”.
Theo thầy giáo Trần Văn Hà, Trưởng khoa Cơ khí, phần lớn các em học sinh đều chăm chỉ, có tinh thần học tập. Những ngành nghề này cũng đơn giản, dễ học, phù hợp nên các em hứng thú trong học tập, nhất là các giờ thực hành. Trong quá trình dạy, giáo viên nhà trường quan tâm, dạy kỹ để các em theo kịp chương trình.
Khóa đầu tiên năm nay chuẩn bị ra trường, các em học ngành cơ khí đang hoàn tất kỳ thi, sau đó vào thực tập tại một doanh nghiệp liên kết với trường ở TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp sẽ lo chỗ ở, hỗ trợ chi phí đi lại và trả lương 140 nghìn đồng/ngày cho các em. Ông Lực cho biết: “Dẫu chưa ra trường nhưng hầu hết các em đều có cơ hội xin được việc làm khi các doanh nghiệp may mặc, cơ khí nơi các em thực tập đều có nhu cầu tuyển dụng lao động. Nếu em nào chưa tìm được việc làm, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm cho các em”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN