TS. Trần Bá Dung:

Đề tài phải mới, lạ, khác

Lần đầu tiên chấm giải ở Huế, tôi như được “nghe” các đồng nghiệp ở đây nói về nghề với nhiều giọng điệu, cung bậc, cách tiếp cận. Về những bức xúc trước những tiêu cực, bất chấp pháp luật của những cá nhân, tổ chức. Nghe được những “tiếng lòng” đầy trăn trở, day dứt về thế sự. Trên hết là tâm tư của người dân được các đồng nghiệp chuyển tải lên mặt báo, sóng phát thanh, truyền hình.

TS. Trần Bá Dung. Ảnh: NVCC

Các bình diện cuộc sống được phản ánh phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Chất lượng nghiệp vụ qua tác phẩm, theo tôi, vào top trên của BC các địa phương trong cả nước.

Năm nay, không có giải Nhất cho cả 4 loại hình (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử), quả là hơi tiếc.  Nhưng trong đó, có một số tác phẩm tôi tâm đắc, như tác phẩm  “Phát triển tiềm năng du lịch đường thủy trên sông An Cựu”, có những phát hiện mới, bài viết có ý tưởng, có đề xuất giải pháp hợp lý, tiếp cận toàn diện. Hay tác phẩm “Về sự cần thiết của cống Cửa Khâu trên sông An Cựu”, có nội dung phản biện tốt, lý giải khoa học, hình thức thể hiện chặt chẽ, thuyết phục. Tác phẩm “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp”, được đầu tư công phu, vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc…

Điều tiếc ở một vài tác phẩm là tìm được đề tài hay, nhưng khi viết lại không đi tới tận cùng vấn đề. Như tác phẩm “Giải tỏa khu vực I, Kinh thành Huế: Bài toán di dân”. Nếu thêm một kỳ, có ý kiến hiến kế của chuyên gia, nhà khoa học…, vừa tư vấn, vừa phản biện thì sẽ đẩy tới được vấn đề, không chỉ dừng lại là mong muốn “cần sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm từ phía người dân và chính quyền các cấp”. Một bài toán hay nhưng chưa có hướng giải tốt.

Có tác phẩm dài kỳ, công phu như “Sau hai năm thi công dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế”, nhưng rút tít chưa chuẩn: “Khắc phục yếu điểm, đẩy nhanh tiến độ”. Lẽ ra phải viết là "Khắc phục điểm yếu".

Lãnh đạo tỉnh, Hội Nhà báo trao giải 3, Giải báo chí tỉnh năm 2019 cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: VÕ NHÂN

Theo quan sát của tôi, các bài dự giải năm nay, cái thiếu là những phát hiện mang tính đột phá, những cách thể hiện độc đáo với những phản biện sâu, có tác động xã hội tốt.

Muốn có tác phẩm đoạt giải cao, dự các giải báo chí lớn, trước hết, phải có đề tài mới, lạ, khác. Nếu vẫn đề tài cũ, thì cần có cách tiếp cận mới, tiếp cận đa chiều. Thứ hai, cần tăng tính phản biện. Thứ nữa, bài viết phải đi tới tận cùng vấn đề, đúng tầm vấn đề, không nên viết đơn giản, chỉ nêu vấn đề, nghèo tư liệu (nhất là báo in).

Tác giả cần viết đúng đặc trưng loại hình và thể loại. Tránh tình trạng bài phóng sự nhưng không có chi tiết, bài điều tra không có bằng chứng, không có mâu thuẫn hoặc chứng cứ không thuyết phục. Bài phỏng vấn chỉ có những câu hỏi “xin cho biết”, bài chân dung như một báo cáo thành tích…

Cuối cùng, cần đặc biệt chú ý ngôn ngữ báo chí, nhất là khâu rút tít bài báo. Giám khảo dễ bỏ những tít bài chung chung, lặp lại, lắp vào bài nào cũng được, không có thông tin và thông điệp riêng gửi tới người đọc.

Nhà báo Lê Thanh Phong:

Tác phẩm báo chí  ở Huế rất “hiền”

Các tác phẩm báo chí viết về Huế  "rất Huế". Dù các bài viết đều chắc tay, có nghề nhưng rất "hiền". Hiền ngay cả khi viết những bài thuộc thể loại điều tra. Tôi nghĩ có lẽ ở vùng đất này, ít có những vụ việc quá “dữ dằn” như các địa phương khác nên cũng không có những bài báo gai góc.

Nhà báo Lê Thanh Phong. Ảnh: NVCC

Tôi cho rằng, để có được những bài báo có tiếng vang không chỉ là sự cố gắng của nhà báo, mà còn phụ thuộc vào hiện thực xã hội nơi họ sống và tác nghiệp. Ví như, Huế có rất nhiều chùa, nhưng không có những chuyện “dâng sao giải hạn” hay “thỉnh vong”, vậy thì nhà báo Huế khó có tác phẩm chấn động dư luận. Nhưng đôi khi, cái ồn ào qua đi rất nhanh, còn cái lắng sâu lại còn mãi.

Như các tác phẩm báo hình về Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành, Thượng thư Trần Đình Bá, Phố Chợ Dinh…gửi đến người tiếp nhận những kiến thức lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào không chỉ của người Huế.

Tôi thích tác phẩm "Người cúng, sông đau”, phản ánh tệ nạn đốt vàng mã trên sông Hương- một tồn tại rất nhức nhối không dễ dẹp bỏ và tiếc cho tác phẩm “Trắng đêm theo dõi trộm cát”. Nếu đầu tư nhiều hơn, phóng viên dấn thân hơn, theo đến cùng vụ việc thì  tác phẩm chắc chắn sẽ đoạt giải cao hơn.

Bên cạnh một số bài báo đề tài chưa có tính phát hiện, tôi thấy có những tác phẩm điều tra khá chất lượng như “Toàn cảnh về ổ dịch lở mồm long móng”, “Phá rừng đầu nguồn Tả Trạch”.

Vậy muốn có tác phẩm tốt, theo tôi là chọn đề tài có tầm và đầu tư sâu. Chẳng hạn đề tài về di dời dân ở Hoàng thành Huế, bám sát từng gia đình, dòng họ, đặc tả từng thân phận con người, để thấy rằng cuộc sống tạm bợ kéo dài đã mang đến những khó khăn, bi kịch cho những kiếp người. Và từ đó, người đọc sẽ thấy cần thiết và khẩn cấp có sự thay đổi.

Nhà báo Phạm Hữu Thu:

Gạn lọc và tìm chi tiết có sức lan tỏa

Từng tham gia nhiều kỳ chấm Giải BC tỉnh, năm nay, tôi thấy chất lượng tác phẩm có sụt giảm. Điều ấy thể hiện ở cả báo viết, báo nói và báo hình và vì vậy, chưa có tác phẩm thật sự xuất sắc để trao giải Nhất, có lẽ do thiếu đầu tư công sức, thời gian và nhất là ít có vấn đề mới, hay được phát hiện. Giải năm nay cũng ghi nhận sự tham gia vượt trội về số lượng của nhiều cộng tác viên và các nhà báo của các cơ quan thường trú đóng trên địa bàn. Chính sự tham gia của đội ngũ này đã góp phần làm cho đề tài đa dạng hơn nhưng về chất lượng, thú thật chưa nhiều.

Nhà báo Phạm Hữu Thu. Ảnh: NVCC

Để tìm lời giải cho bài toán “thiếu vắng tác phẩm của nhà báo Huế ở sân chơi Quốc gia”, theo tôi, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí địa phương nên tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; thông qua mạn đàm và trên tinh thần tôn trọng, cầu thị, hy vọng sẽ tìm ra lời giải phù hợp. Bởi xu thế báo chí mỗi lúc mỗi khác nhưng có tiêu chí bất di bất dịch, đó là muốn đoạt giải, tác phẩm nhất định phải hay. Hay từ khâu chọn đề tài.

Ví dụ, sau khi quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, trong một lần ngồi duyệt bản tin, bất ngờ tôi biết được ở Thành Nội người dân đã bị xử phạt do xây nhà, sửa nhà (vì không ai được cấp phép, nhất là ở những vùng đã được khoanh vùng bảo vệ di tích). Chính quyền thực thi đúng nhưng số phận của hàng ngàn hộ dân sống trong các căn nhà ấy sẽ ra sao? Tôi làm đề cương và lập nhóm làm phim phóng sự điều tra “Bao giờ người dân Thành nội mới an cư” ? Phim gửi dự Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc và được trao giải Vàng.

Hay tác phẩm “Những việc làm ích nước lợi dân”, nhờ “nói” trúng và đúng vấn đề mà xã hội đang quan tâm nên được trao giải B-Giải báo chí quốc gia (Tác phẩm của tỉnh đoạt giải cao nhất giải báo chí Quốc gia đến thời điểm này- PV). Khi thực hiện đề tài này, tôi chỉ tập trung đề cập về vấn đề tiết kiệm bằng những việc cụ thể của Giám đốc Trương Công Nam và cộng sự ở HueWACO.

Do vậy, trên thực tế, đề tài không phải là vấn đề lớn nhất đối với người làm báo.

Quan trọng là anh phải biết gạn lọc và tìm trong kho chất liệu ngồn ngộn ấy dù chỉ  một chi tiết, nhưng chi tiết đó đủ sức lan tỏa đã là thú vị.

LIÊN MINH (Thực hiện)