Cây cam giúp gia đình chị Lê Thị Xuân Hương có thu nhập ổn định

Mạnh dạn thay đổi

Phá bỏ vườn cau năng suất cao để thử nghiệm trồng cam là câu chuyện táo bạo của chị Lê Thị Xuân Hương. Năm 2014, nhờ chủ động được nguồn giống cam và kỹ thuật chăm sóc từ họ hàng ở Nghệ An, gia đình chị Hương quyết định thử vận may với cây cam.

“Thời điểm quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không chỉ bà con xung quanh không tin tưởng mà ngay cả mọi thành viên trong gia đình cũng thấp thỏm lắm, chặt bỏ cả vườn cau trị giá 200 triệu đồng chứ không phải ít”, chị Hương bộc bạch.

Năm 2017, “quả ngọt” bắt đầu đến với gia đình chị Hương khi thu được khoảng 15 triệu đồng từ 7 cây cam cho trái đầu tiên. Năm 2018, 130 gốc cam trưởng thành, bình quân mỗi gốc thu hoạch được 30 kg quả, mang lại thu nhập cho gia đình chị 130 triệu đồng/vụ (giá bán từ 20.000 - 30.000đồng/cân). Đến nay, vườn cam của chị Hương đã mở rộng lên đến 2ha với khoảng 1.300 gốc cam đường canh, cam xã Đoài và cam Vân Du.

Hiện nay, chị đã đầu tư giàn tưới phun nước gồm máy bơm và đường ống khoảng 120 triệu đồng và thực hiện rải bạt xung quanh gốc cây để tránh vi khuẩn tác động đến quả. Điều này giúp trái mọng, ngọt nước, được khách hàng ưa chuộng.

Sẻ chia để cùng phát triển

Hiện có 57 hộ ở thôn 10 trồng cam nhưng vẫn loay hoay với đầu ra sản phẩm. Ngay cả gia đình chị Hương cũng chỉ tiêu thụ cam thông qua kênh bà con họ hàng giới thiệu, bỏ mối cho các nhà hàng tại huyện…, chưa có một đầu mối bao tiêu đầu ra. Đó cũng là một trong những lý do mà Tổ liên kết cam thôn 10 Hương Hòa được thành lập, do chị Hương làm tổ trưởng.

Thành lập từ cuối năm 2018, đến nay, Tổ liên kết cam thôn 10 Hương Hòa có 10 thành viên và hoạt động có hiệu quả khi chị em biết hỗ trợ nhau về kỹ thuật. Với vai trò là người tiên phong, chị Hương luôn hướng dẫn tận tình các thành viên khác từ công đoạn chọn giống, chăm sóc và thu hoạch… Hội LHPN xã cũng có nhiều chương trình hỗ trợ khác, như tạo điều kiện để chị em tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư phát triển vườn cam.

Chị Huỳnh Thị Đoan Trang, thành viên của tổ liên kết có vườn cam hơn 80 gốc chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ nên vườn cam của chị đã phát triển tốt hơn. Điều chị mong muốn nhất là xây dựng được thương hiệu cam của tổ liên kết, tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm.

Bà Hoàng Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông cho biết, bên cạnh việc định hướng, chia sẻ kinh nghiệm canh tác theo hướng hữu cơ, tổ liên kết còn giúp các hộ tham gia tránh được tình trạng o ép từ thương lái khi có sự thống nhất chung về giá bán.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ mô hình tổ liên kết thông qua việc tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh; đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam để đạt hiệu quả tốt nhất. Đây là tiền đề để nhân rộng mô hình tổ liên kết tại các vùng trồng cam trọng điểm khác trên địa bàn huyện”, bà Loan cho biết thêm.

Mô hình Tổ liên kết cam thôn 10 Hương Hòa đoạt giải Nhì Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” lần thứ nhất năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN