Nhạc công Nhã nhạc biểu diễn trong một sự kiện ở Đại Nội

Đa năng

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) có gần 50 nghệ sĩ là nhạc công, gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó là nam nhạc công, chuyên diễn tấu những bài bản Tiểu nhạc và Đại nhạc trong Nhã nhạc. Trong khi nữ nhạc công lại chủ yếu đánh đệm cho các bài múa cung đình, tuồng và ca Huế.

“Đa năng” là cách ngắn gọn mà Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, nói về đội nhạc công của nhà hát. Đa năng, bởi ngoài việc rành nghề một loại nhạc cụ như được đào tạo trong trường lớp, sau khi về công tác tại nhà hát, mỗi nhạc công đều phải tự luyện tập, phát triển để có thể sử dụng thành thạo thêm hai hoặc ba nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Hiện nay, Nhã nhạc cung đình không chỉ để lại dấu ấn trong hệ thống bài bản, mà còn góp mặt trong tuồng cung đình, múa cung đình và ca Huế. Do đó, đội ngũ nhạc công của nhà hát cũng phải “nằm lòng” toàn bộ hệ thống bài bản Nhã nhạc đã được sưu tập, hồi phục, nhạc của các bài múa cung đình, nhà tuồng… Hoàn thành khối lượng công việc, với nhiều nhạc công, thời gian không thể tính trong một hay hai năm, mà phải luyện tập thường xuyên trong nhiều năm. Thuộc và thấm các “nhánh” trong khối di sản âm nhạc cung đình, thì người nhạc công mới đủ linh hoạt để diễn tấu đúng bài và thể hiện đúng “chất Huế” trong mỗi bản nhạc.

So với nhiều nhà hát truyền thống trong nước, đội nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tạo được sự khác biệt khi chính họ viết nhạc nền cho các vở tuồng và diễn tấu trực tiếp theo vở diễn khi tham gia các liên hoan, hội diễn. Để thực sự là yếu tố đặc biệt hỗ trợ các diễn viên thể hiện tâm lý nhân vật, cả dàn nhạc đều phải dày công luyện tập, thuộc bài. Nếu mỗi diễn viên chỉ cần thuộc vai diễn của mình, thì mỗi nhạc công đều phải nhớ cả vở diễn. Phải thuộc các bài bản, các tuyến nhân vật trong một vở diễn thì nhạc công mới hòa được đúng nhịp tổng phổ. Yêu cầu này đòi hỏi mỗi thành viên của dàn nhạc đều phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập.

Ở cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương cũng trực tiếp tham gia viết nhạc nền cho một số vở tuồng cung đình được nhà hát dàn dựng. Thế mạnh của Hoàng Trọng Cương là đàn bầu, nhưng sau khi đầu quân cho nhà hát, được theo làm học trò của nhiều “cây đa cây đề” trong ngành, giờ anh sử dụng thành thạo cả tì bà, đàn nguyệt, đàn tam… “Nhã nhạc là loại âm nhạc càng chơi càng thấm, nên với mỗi một nhạc công kiến thức học được ở trường là chưa đủ mà cần phải liên tục rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu. Hiện nay, trong số gần 50 nhạc công của nhà hát, có khoảng 1/3 nghệ sĩ thực sự giỏi, thuộc các bài bản và thể hiện được sự nhấn nhá, luyến láy đặc trưng của chất nhạc cung đình. Số còn lại, anh em vẫn liên tục học hỏi và tự rèn luyện theo chương trình đào tạo, truyền nghề của nhà hát”, nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương nói.

Và chuyện bắt tay Nhật hoàng

Như nhiều dòng âm nhạc truyền thống khác, âm nhạc cung đình là phần linh hồn quan trọng để nghệ thuật diễn xướng cung đình tỏa sáng. Quan trọng là vậy nhưng phần lớn công việc của các nhạc công lại diễn ra trong thầm lặng, nên cũng có những thiệt thòi riêng so với các đồng nghiệp. Nhưng nếu so với đồng nghiệp, nhạc công của Nhã nhạc Huế lại có được niềm tự hào thiêng liêng khi được thể hiện vẻ đẹp của quốc nhạc Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Nhất là khi họ biểu diễn giới thiệu Nhã nhạc ở các nước đồng văn, như: Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến nay, hiếm có nhà hát nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nào có được nhiều vinh dự lớn khi hai lần được biểu diễn trực tiếp cho Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko xem. Lần đầu tiên vào năm 2009 trên đất nước Nhật Bản và lần thứ hai ngay tại Cố đố Huế. Nhật Bản trân quý Nhã nhạc nên họ cũng rất quý trọng đội ngũ nhạc công, những người thể hiện vẻ đẹp của loại hình âm nhạc ấy. Diễn xong, dàn nhạc công được mời đứng lên phía trước, lần lượt từng người được Nhật hoàng và Hoàng hậu bắt tay, tặng hoa.

Đến thăm Việt Nam vào năm 2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu dành thời gian vào Huế để xem lại chương trình Nhã nhạc đã từng được các nghệ sĩ biểu diễn trên đất Nhật nhiều năm trước đó. Chương trình biểu diễn rất ngắn, nhưng Nhật hoàng và Hoàng hậu vẫn dành thời gian để bắt tay từng nghệ sĩ. Nhiều người trong số đó được đón nhận cả hai cái bắt tay của Nhật hoàng. NSND Bạch Hạc xúc động: “Phải thân thiện và yêu thương lắm mới được Nhật hoàng bắt tay. Vì ông chỉ bắt tay các nhân vật quan trọng trên thế giới và các nguyên thủ quốc gia, còn lại đều thực hiện theo nghi lễ trang trọng là cúi chào. Niềm vinh dự ấy hoàn toàn xứng đáng với dàn nhạc công Nhã nhạc của nhà hát. Đó cũng là động lực quan trọng để họ có thêm niềm tin yêu bền bỉ với nghề. Nhà hát tự hào vì có họ và cũng vì có họ mà chúng tôi tự tin thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản Nhã nhạc hiện nay”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN