Lúng túng
Dịch TLCP đang ngày càng lây lan nhanh, khó kiểm soát khiến ông Nguyễn Phước, hộ nuôi lợn ở thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành vô cùng lo lắng. Mặc dù đã được cán bộ thú y tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhưng ông Phước vẫn còn lúng túng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
“Từ hôm dịch TLCP xảy ra trên địa bàn huyện đến nay tui không đêm nào ngủ yên vì lo bảo vệ đàn lợn. Tui đã dùng tất cả các biện pháp, kinh nghiệm phòng ngừa trong khả năng, theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương nhưng vẫn không thể bảo vệ được đàn lợn. Hôm 20/6 đàn lợn 10 con (6 nái, 4 thịt) có dấu hiệu xảy ra dịch rồi nhanh chóng lăn ra chết. Gia đình đã báo với cán bộ thú y đến xử lý, tiêu độc khử trùng, tiến hành chôn hủy số lợn này, ước thiệt hại 50 triệu đồng”, ông Phước than thở.
Cán bộ thú y huyện tiêm vắc xin cho lợn
Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thừa nhận, vì lần đầu tiên xuất hiện loại dịch mới (TLCP) nên địa phương còn lúng túng trong triển khai các biện pháp phòng, chống, khó ngăn chặn triệt để. Dịch TLCP xuất hiện trên địa bàn từ ngày 10/6 tại hộ ông Võ Tân ở thôn Tây Thành. Chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, chôn hủy, rải vôi khoanh vùng dịch… theo quy định nhưng đến nay (21/6), dịch đã xảy ra tại 13 hộ của 5 thôn trên địa bàn. Tổng số lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy hơn 50 con.
Đến ngày 21/6, trên địa bàn xã Quảng Vinh có 35 hộ chăn nuôi của 7 thôn có dịch TLCP, tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn lợn thương phẩm. Ông Hồ Tịnh Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh cho rằng, dịch TLCP nguy hiểm, khó lường, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế theo quy định nhưng dịch vẫn lây lan trên địa bàn. Từ khi có dịch, ngoài việc khẩn trương dập dịch, xã cấp phát vôi, hóa chất cho tất cả các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn để chủ động tiêu độc khử trùng, xử lý chuồng trại nhằm hạn chế tối đa lây lan, thiệt hại. Trong phòng dịch, lấy người dân đóng vai trò “then chốt” nên đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho bà con.
Ông Ân cũng thừa nhận, khó khăn hiện nay của xã Quảng Vinh là tình hình dịch bệnh bùng phát khá nhanh, trong khi lực lượng dập dịch còn mỏng nên chưa tiêu hủy kịp thời. Đây là vấn đề đang được chính quyền địa phương khắc phục, huy động lực lượng đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, chôn hủy lợn kịp thời ngay sau khi phát hiện bị dịch.
Huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ biện pháp
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền thông tin, để ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch TLCP, các địa phương đã tiến hành lập các trạm kiểm dịch tạm thời, tăng cường kiểm soát tại các trục đường làng, ngõ xóm, hạn chế người qua lại, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tất cả các loại phương tiện đi qua trạm. Các địa phương thành lập đội liên ngành kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, phải có giấy kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng mới được phép đưa lợn vào giết mổ; thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm, tiêu diệt mầm bệnh, bao vây ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Người dân tăng cường chăm sóc lợn
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Đình Đức nhận định, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu hộ gia đình, nhỏ lẻ, đan xen trong các khu dân cư, mật độ chăn nuôi dày. Vì vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các “tác nhân” làm lây lan mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác để “cắt đứt” các nguồn lây nhiễm rất khó khăn. Diễn biến thời tiết hiện nay rất phức tạp cũng là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Dịch TLCP lần đầu tiên xuất hiện tại thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ và đến ngày 23/5, cơ quan chức năng chính thức công huyện Quảng Điền đã có dịch TLCP. Đến ngày 21/6, toàn huyện Quảng Điền đã có 54 thôn của 8 xã, thị trấn: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh Quảng Phú, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ và thị trấn Sịa đã có dịch; tiêu hủy 655 con lợn nái, lợn thịt và lợn hậu bị, ước thiệt hại trên 2 tỷ đồng… |
Các địa phương đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống với quyết tâm hạn chế tối đa dịch TLCP lây lan nhanh trên địa bàn, không để dẫn đến khó kiểm soát, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Cả hệ thống chính trị và các nguồn lực được các địa phương huy động vào cuộc, triển khai các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch. Trong điều kiện chưa có vắc xin đặc trị dịch TLCP, ngoài sự hướng dẫn của cán bộ thú y, các địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi tự bảo vệ đàn lợn.
Yêu cầu đặt ra đối với các hộ chăn nuôi là phải thực hiện đúng phương châm 5 không: “không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”. Người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chấp hành tiêm các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định; sử dụng các biện pháp chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng cho lợn tăng sức đề kháng…
Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, cơ quan chức năng của huyện Quảng Điền đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định vi rút dịch TLCP không lây và gây bệnh cho người. Người dân không nên hoang mang mà cần sử dụng sản phẩm thịt lợn bình thường thông qua chế biến hợp vệ sinh theo quy định.
Bài, ảnh: Hoàng Triều