Câu lạc bộ ca Huế giao lưu cùng học sinh trong hoạt động đưa ca Huế vào trường học. Ảnh: KO

Tôi xin góp mấy ý kiến về  việc đưa ca Huế và dân ca vào trường học. Tôi được đọc tài liệu Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế phát hành có đầu đề “Các bài ca Huế dùng trong chương trình giảng dạy cấp tiểu học”. Tài liệu in 9 lời của 9 làn điệu: Xuân Phong, Long Hổ, Đăng Đàn Cung, lý Đoản Xuân, lý Hoài Xuân, lý Tình Tang, hò Tà Lý, lý Hoài Nam và lý Ngựa Ô. Như vậy, đầu đề của tập bài hát này phải là “Các bài ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên” mới chính xác. (Các điệu: Xuân Phong, Long Hổ, Đăng Đàn Cung và Đoản Xuân là ca Huế). Một số chỗ lời khó hát, đúng hơn là lời chưa nhuyễn với nhạc, nên các em hát còn “ngọng nghịu” là phải. Điều đáng nói hơn là, có nhiều chỗ lời ca còn rất thô, có khi tối nghĩa, nặng về giáo huấn, gây phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi các em.

Chúng tôi nghĩ, việc dạy ca Huế và dân ca Thừa Thiên Huế trong các trường học nói chung và trường tiểu học nói riêng cần được công phu và thận trọng hơn. Trước hết là tham khảo ý kiến về việc đưa làn điệu nào của ca Huế và dân ca vào cấp học nào, lứa tuổi nào cho phù hợp. Đó là khâu rất quan trọng để các em dễ  tiếp thu, dễ học làn điệu, dễ thuộc nhạc và lời ca. Ví dụ như trong 9 làn điệu mà tài liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành, ta có thể thay điệu lý Hoài Nam bằng một làn điệu khác.

Tiếp đó là khâu viết lời mới. Lời mới phải là những nội dung rất gần gũi, phù hợp với lứa tuổi các em. Lời ca cần nhuần nhuyễn với nhạc, khắc phục những nhược điểm hay gặp như: lời khó hát, làm cho các em khi hát không rõ lời; lời khô khan, sáo rỗng, nặng về giáo huấn, ít chất văn học… Đây là một việc làm rất khó. Vậy nên, cần có cuộc vận động sáng tác lời ca mới theo các làn điệu ca Huế, dân ca phù hợp với lứa tuổi các em. Sau đó có hội đồng tuyển chọn và sẽ được in ấn để phổ biến, dạy cho các em hát. Ngoài các làn điệu hát đơn, cần chú ý có các làn điệu có thể hát song ca, tốp ca, tạo điều kiện cho nhiều em cùng ca hát một tiết mục.

Việc truyền dạy ca nhạc truyền thống quê hương là một việc làm cần thực hiện thường xuyên, lâu dài. Với cách làm bài bản cùng với việc đầu tư về nhiều mặt, thế hệ trẻ có điều kiện để tiếp xúc với ca Huế, dân ca; dần dần cảm nhận được cái hay cái đẹp của di sản văn hóa quê hương. Từ đó góp phần bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn các thế hệ người con xứ Huế; cũng là cách hữu hiệu để bảo tồn, phát huy vối quý âm nhạc truyền thống quê hương.

MINH KHIÊM