Học bơi ở bể bơi kín giúp đảm bảo an toàn cho trẻ (Ảnh chụp tại bể bơi King, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền)

Từ sáng sớm, trẻ em của huyện Phong Điền và một số vùng lân cận đã lũ lượt kéo nhau về bể bơi King (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) để cùng nhau “phá” nước. Em nào nhà gần thì đạp xe hoặc chạy bộ tới, còn xa hơn thì có cha mẹ đưa đón. Lũ trẻ sau khi tráng nước sẽ được khởi động để tránh sự cố chuột rút trong quá trình tập bơi. Các em được thầy phân luồng theo độ sâu của hồ bơi, từ 1m3 đến 1m65, tùy theo khả năng bơi lội của từng trẻ.

Anh Đoàn Quảng Trị, Trưởng ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, là thầy giáo dạy bơi cho các em nhỏ của khóa học, cho biết: “Trẻ em ở miền quê ít có điều kiện được tiếp xúc với các bể bơi kín. Nhiều trường hợp trẻ tìm đến ao, hồ, sông, suối để bơi, gây ra những tai nạn đuối nước thương tâm. Vậy nên, đối tượng dạy bơi mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng đến là trẻ em ở nông thôn”. Mỗi khóa học diễn ra trong 15 buổi cả lý thuyết lẫn thực hành. Các học sinh sẽ được trang bị kiến thức lý thuyết, thực hành bơi cơ bản, kỹ năng sơ cứu, kiến thức an toàn dưới nước, cách xử lý khi gặp người đuối nước...

“Lướt” nước một cách điệu nghệ và đặc biệt hứng thú với kiểu bơi ngửa, em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 7/3 Trường THCS Phong Hiền (huyện Phong Điền) hào hứng: “Trước đây em có biết bơi chút ít, chủ yếu qua tự tập luyện mỗi dịp đi chơi sông, hồ cùng bạn bè. Sau này được ba mẹ chỉ bảo, em không còn tới những nơi đó bơi lội để tránh nguy hiểm. May sao bây giờ em được tham gia khóa học bơi, được học các kỹ năng một cách cặn kẽ và đúng kỹ thuật hơn”.

Còn em Nguyễn Hữu Minh, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Lê Xuân (huyện Quảng Điền), đều đặn mỗi ngày, Minh và em trai được ba hoặc mẹ “tháp tùng” tới lớp học bơi. “Những ngày học bơi, mỗi sáng em dậy sớm hơn thường lệ nửa tiếng để ăn uống và theo ba mẹ đến hồ bơi. Điều làm em hứng thú là tới đây được học hỏi và giao lưu với những người bạn đồng trang lứa”, Minh hồ hởi.

Vừa quan sát con đạp nước, giang sải tay, anh Nguyễn Hữu Hùng (ba của em Nguyễn Hữu Minh) vừa động viên, khích lệ, đồng thời chỉ bảo thêm cho Minh sửa những lỗi kỹ thuật sao cho có sức bơi bền và đỡ tốn sức lực hơn. Anh cho biết, bản thân nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng bơi lội đối với trẻ em, đó cũng là một trong những kỹ năng sống quan trọng cần được đầu tư rèn luyện.

Vẫn còn ở lứa tuổi hiếu động, lũ trẻ vừa học lại vừa chơi. Các em chăm chú học những kỹ năng cơ bản của môn bơi lội như nín thở dưới mặt nước, hít và thở dưới nước, tập nổi được dưới nước, lướt nước… như thầy giáo giảng dạy. Đồng thời, cũng tinh nghịch khi nô giỡn với nhau bằng cách tát cho bọt nước bung lên trắng xóa, thi đua với bạn bè xem ai biết bơi nhanh hơn, ai bơi giỏi hơn.

Nhiều phụ huynh cho biết, ngoài các biện pháp phòng chống đuối nước như không cho trẻ em chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước thì giải pháp tối ưu nhất là dạy cho trẻ em biết bơi đúng cách và biện pháp xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm, đồng thời, học bơi còn giúp các em phát triển thể lực tốt.

Theo anh Đoàn Quảng Trị, hoạt động dạy bơi cho trẻ em lứa tuổi THCS đã được tổ chức định kỳ hè mỗi năm từ năm 2005 đến nay. Chương trình được Tỉnh hội phối hợp với các trường THCS trên địa bàn các huyện vùng trũng, vùng ven biển, đầm phá tổ chức dạy bơi và sơ cấp cứu đuối nước miễn phí cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh trong dịp hè. Trong năm 2019, tỉnh hội mở 6 khóa dạy bơi cho trẻ em huyện Phú Lộc, Phong Điền và các địa phương lân cận. Đây là những địa phương có vùng thấp trũng, khi lũ về, nhiều nơi thầy và trò đến trường chủ yếu bằng xuồng, ghe... và hầu như các em đều không biết bơi. Trước đó, dịp hè năm nay đã tổ chức dạy bơi 3 khóa cho hơn 200 em học sinh của huyện Phú Lộc. “Những năm trước, có nhiều trường hợp từ khóa học bơi miễn phí do tỉnh hội tổ chức mà một số em học sinh đã tìm được niềm đam mê với bơi lội và phấn đấu để trở thành vận động viên bơi lội chuyên nghiệp, đó là những niềm vui ngoài mong đợi đối với chúng tôi”, anh Trị bộc bạch.

Bài, ảnh: PHƯỚC LY