Dẫn chứng điều này để thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) thực sự đã làm các loại hình thiên tai như hạn hán, lũ lụt ngày càng ác liệt, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, lương thực, sức khỏe, môi trường. Cây cối, động vật và con người không thể tồn tại một cách đơn giản như trước khi có BĐKH, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi để thích ứng và giảm thiểu các rủi ro từ những hành vi, giải pháp, biện pháp thay đổi.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được cảnh báo sẽ bị tác động tiêu cực do BĐKH và nước biển dâng, chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH, khai thác và sử dụng hợp lý bảo vệ tài nguyên nước, đất, rừng, biển, đầm phá, khoáng sản... Trong đó có sự chỉ đạo sâu sát trong việc vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn; quản lý bảo vệ và phát triển diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên để tăng độ che phủ rừng; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường...

Ngoài tập trung đầu tư vào những công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, việc xây dựng các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp để đối phó, thích ứng với những tác động của BĐKH được các địa phương thực hiện theo tình hình thực tế từng địa bàn. Đã có những giải pháp, nhóm giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp được lựa chọn thực hiện ở các địa phương, như: trồng thử nghiệm các giống lúa chịu hạn, mặn; nuôi trồng thủy sản xen ghép theo hướng an toàn; trồng rau thủy canh...

Những mô hình canh tác mới này đã giúp hạn chế những tác động bất lợi, đồng thời tận dụng những ảnh hưởng có lợi do BĐKH, làm cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp linh hoạt hơn, tăng tính bền vững và đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.

Một giải pháp khác tưởng như ít liên quan nhưng đang và sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là việc xanh hóa ao nuôi. Trong quá trình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, nhiều hộ nuôi đang áp dụng mô hình trồng các loài cây thích nghi với vùng nước lợ ven đầm phá.

Bao quanh những ao nuôi thủy sản của các hộ dân dọc các xã Vinh Giang, Vinh Hiền, Vinh Mỹ (Phú Lộc), Phú Đa, Vinh Phú (Phú Vang)... không chỉ đồng không toàn nước và lưới, mà giờ đang nhấp nhô bóng dáng một số loài cây, vừa bản địa, vừa đưa từ vùng khác về trồng như giống dừa miền Nam, đước, bần...

Theo các hộ nuôi, việc trồng cây xanh quanh các hồ nuôi không chỉ giúp giữ bờ bao, chống hiện tượng xâm nhập mặn, mà còn làm mát cho con nuôi, nhất là trong thời tiết nắng nóng, khô hạn ngày càng khắc nghiệt, khó dự đoán.

Nhắc đến giải pháp xanh hoá trong nuôi trồng thủy sản, cách đây mấy năm, khi bắt đầu thực hiện dự án phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn Rú Chá (Hương Phong, Hương Trà) và các xã, thị trấn ven phá như Quảng Lợi (Quảng Điền), Thuận An (Phú Vang), Lăng Cô (Phú Lộc), ngoài mục tiêu phục hồi, cải tạo môi trường, tăng tính đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái..., dự án còn kỳ vọng biến những khu rừng ngập mặn thành bãi giống, bãi đẻ, nơi trú ngụ của chim, cá và hình thành thảm xanh để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Hoài Nguyên