Một tác phẩm bằng hoa chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34 được trưng bày tại Bangkok ngày 22/6/2019. Ảnh: AFP

Theo đó, khu vực này đã sẵn sàng cho động thái tiếp theo để cùng nhau đàm phán 13 chương còn lại của thỏa thuận thương mại trong cuộc họp các quan chức kinh tế cấp cao sắp tới sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại Melbourne, Australia.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã bị mắc kẹt trong nhiều cuộc đàm phán kéo dài 7 năm qua, với tổng cộng 20 chương, trong đó 7 chương đã được hoàn tất tính đến nay. Các quốc gia thành viên bao gồm 10 nước ASEAN, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Năm 2018, thương mại giữa các quốc gia RCEP chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, giá trị thương mại của nước này với các quốc gia RCEP đạt 70 tỷ USD cũng trong năm 2018. Xuất khẩu Thái Lan sang các nước RCEP hiện chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm nay, Thái Lan đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là có thể hoàn tất các cuộc đàm phán cho hiệp định thương mại lớn này vào cuối năm nay.

“Các quan chức thương mại ASEAN đã có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về lập trường của khu vực đối với RCEP khi đi cùng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 đang diễn ra tại Bangkok trong thời gian này. Các nước thành viên ASEAN đã xác nhận lại quan điểm của mình để thúc đẩy hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP vào cuối năm nay”, bà Auramon Supthaweethum, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan (DTN) nói.

Nhìn chung, ASEAN đã thống nhất được quan điểm chung trong các cuộc đàm phán về RCEP và từ ngày 25/6 đến 3/7 tới, các quan chức kinh tế cấp cao của tất cả 16 thành viên RCEP sẽ gặp nhau tại Melbourne, Australia, để thảo luận chi tiết về thỏa thuận. Đàm phán với 6 thành viên còn lại với tư cách là một khối 10 quốc gia thống nhất quan điểm chung sẽ cho phép ASEAN tạo nhiều tiến bộ hơn trong quá trình đàm phán khi 16 quốc gia RCEP gặp nhau, The Nation dẫn lời bà Auramon cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền qua email với The Nation, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định rằng, “trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, thúc đẩy đàm phán RCEP mang một ý nghĩa quan trọng vì nó tăng cường kết nối kinh tế đa phương dựa trên luật lệ và thương mại tự do trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

“Trong Hội nghị thượng đỉnh RCEP tại Singapore vào tháng 11/2018, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên RCEP đã tái khẳng định quyết tâm hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP vào năm 2019. Cho đến nay, các quốc gia đàm phán RCEP đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Chúng tôi hi vọng có thể kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, vòng đàm phán RCEP lần thứ 28 sẽ do Việt Nam đăng cai vào tháng 10 tới, đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng trong năm nay trước Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 tại Bangkok, sẽ được tổ chức vào tháng 11. Việt Nam hy vọng rằng vì tinh thần hợp tác mở rộng, đảm bảo sự bình đẳng và lợi ích chung, tất cả các bên sẽ đạt được thỏa thuận để hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP như đã hứa.

Thách thức hiện tại là Ấn Độ và Trung Quốc – những thành viên trong RCEP, nhưng không có thỏa thuận thương mại tự do nào để làm nền tảng xây dựng. Do đó, 13 chương còn lại sẽ được kết luận cùng nhau khi chúng được liên kết với nhau với một thoả thuận khác, The Nation dự đoán.

Bảy chương đã được ký kết liên quan đến các quy định hải quan; biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; hợp tác tổng thể; doanh nghiệp vừa và nhỏ; mua sắm chính phủ; và các quy định thể chế.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The Nation)