Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết chống chạy chức chạy quyền, đã chạy là không dùng!”, Ảnh: dantri.com.vn

Lâu nay, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã phê phán nạn “chạy chức, chạy quyền” như một hiện tượng xấu cần lên án, loại bỏ khỏi đời sống chính trị. Thế nhưng sẽ rất khó nhận diện, xử lý, chưa thể xóa bỏ một sớm một chiều. Vấn đề đặt ra là phải nhận diện cho được chạy ai, ai chạy và cái giá của “chạy ghế” là bao nhiêu? Câu hỏi không dễ trả lời khi mà tham nhũng loại này khó “bắt tận tay, day tận trán”, chưa được điều tra, xét xử vụ nào cụ thể. Chỉ mới đưa ra nhận định hoặc theo dư luận thì rất khó xử lý như chỉ đạo của Đảng và kỳ vọng của cán bộ, Nhân dân.

Ai chạy? Đó là những người mong muốn được leo lên cao, có nhiều quyền lực, cùng với những “đặc quyền” có lợi cho bản thân. Người chạy còn tham vọng sâu xa hơn là sớm thu lại được “vốn” và nhanh chóng có “lời”. Người ta có thể chạy bằng vật chất hoặc kết hợp giữa vật chất và tình cảm (đồng hương, đệ tử, người thân…). Đơn giản nhất cũng phải “ơn nghĩa” đền đáp được quy ra thành vật chất. Nghe ra tưởng đơn giản, ai cũng tỏ ra mình trung thực, trong sạch không cần chạy. Nhưng hậu trường mới sôi động khi nhiều người có đủ tiêu chuẩn mà ghế thì ít, không gắng mà chạy thì dễ bị mất cơ hội.

Chạy ai? Câu hỏi sẽ rất khó xác định khi có nhiều cửa liên quan thẩm quyền đề bạt cán bộ. Có điều chắc chắn đó là những người đủ quyền lực bao trùm để quyết định hoặc có ảnh hưởng chi phối trong đề bạt cán bộ. Trong một tập thể thì vai trò của bộ phận tổ chức là không thể thiếu. Đó là nơi đề nghị, làm các thủ tục, xác định tiêu chuẩn, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, hướng lái theo chỉ đạo cấp trên. Tiếp đến là cấp ủy, lãnh đạo trực tiếp. Với những cơ quan, địa phương có nhiều cán bộ quy hoạch hoặc có sự chia sẻ quyền lực thì vất vả lắm người chạy mới vượt qua được. Sẽ thuận lợi hơn khi cấp trên có thẩm quyền chi phối gợi ý hoặc “chỉ định” xuống thì cấp dưới phải tìm cách xử lý cho êm thuận, khó làm trái hay chống lại. Đặc thù những cơ quan thẩm quyền theo ngành dọc thì ý chí của lãnh đạo cấp trên như quyết định, nhiều khi như “đinh đóng cột”, cấp dưới trở thành một khâu làm thủ tục. Mỗi khâu là một “cửa ải” phải vượt qua đối với những cán bộ còn “non” hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định. Cho nên khi chạy cũng phải đủ cửa, nhưng phải “biết điều” với những cửa có thẩm quyền cao nhất.

Đã gọi là chạy thì phải có "cái gì đó" mà lâu nay vẫn được gọi là quà cáp hay nói nôm na là phong bì. Vật chất không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng lệ thường thì chức càng cao thì phong bì càng phải dày. Dân gian lâu nay theo đà nhận định, suy diễn, đồn thổi chức này chức nọ có giá là bao nhiêu, nhưng khó ai mà biết con số trong các trường hợp cụ thể (trừ khi là người trong cuộc). Nhiều khi người ta có thể thổi phồng, phóng đại cái giá quy ra bạc triệu, bạc tỷ nhưng cũng chỉ dư luận. Quà dùng cho việc chạy muôn hình muôn vẻ, tùy theo mức độ quan trọng của đối tượng cần chạy và giá trị của vị trí mà có quà biếu giá trị tương xứng. Nói tóm lại “đồng tiền đi liền bát gạo” rất đúng trong trường hợp này.

Khi người chạy đã có chức vụ trong tay lại trở thành người “ban phát” cho cấp dưới. Cái vòng lẩn quẩn đó trở thành một tệ nạn mang tính chất hối lộ và nhận hối lộ, hay nói khác là “tham nhũng ghế”. Tham nhũng kinh tế được quy định trong các luật và Bộ luật Hình sự, nhưng tham nhũng trong chạy chức, chạy quyền thì không có chế tài trong luật. Vấn đề “chạy” và “nhận” vừa tế nhị, nhưng cũng được thực hiện hết sức kín đáo không dễ người ngoài biết được. Người nhận sẽ không bao giờ bộc lộ (trừ khi bị lộ), người đưa hối lộ cũng không dám tố cáo sợ xấu hổ, không dại “vạch áo cho người xem lưng”, chưa biết chừng “gậy ông đập lưng ông”…

Một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ, “tham nhũng quyền lực” tràn lan trở thành đàm tiếu, phê phán của cán bộ và Nhân dân. Khi bị kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp “đúng quy trình” mà vẫn sai đối tượng được bổ nhiệm. Một số bộ phận cán bộ có chức quyền lợi dụng sơ hở trong quy trình, quy định để “ban phát”, trục lợi cho cá nhân.

Cũng phải khách quan đánh giá trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay nhiều người có tài- đức thực sự, phấn đấu đi lên bằng chính năng lực của mình. Nhiều người đã trở thành những lãnh đạo có tâm huyết, có khát vọng cống hiến cho dân, cho nước. Tuy vậy, đội ngũ này chưa chiếm đa số, chưa phá tan được mặc cảm nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về tiêu cực.

Để thực hiện tốt việc lựa chọn người có đủ tâm- tài trong bổ nhiệm cán bộ cần nghiêm túc thực hiện quy trình 5 bước theo quy định của Ban Bí thư. Kịp thời rút kinh nghiệm bổ nhiệm thông qua thi tuyển, giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ từ dưới lên một cách dân chủ, minh bạch như đã thực hiện ở một số cơ quan, địa phương. Cần thiết có thể công khai cho quần chúng phát hiện, giám sát, xem đây là kênh quan trọng để tham khảo, giới thiệu nguồn cán bộ cho Đảng.

Công tâm, khách quan, minh bạch, dân chủ là những yếu tố quan trọng trong bổ nhiệm lãnh đạo. Có như vậy mới thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã công khai trước công luận. Qua đó, từng bước lấy lại niềm tin cho Đảng, tạo uy tín thực chất cho đội ngũ lãnh đạo trong thời kỳ mới.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH