Nhiều thương hiệu tổ chức các chương trình giảm giá để kích thích người tiêu dùng. Ảnh: Reuters

Chi tiêu tiêu dùng được hưởng lợi từ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tăng trưởng thu nhập thực tế trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tuy nhiên giờ đây triển vọng tăng trưởng đang suy yếu, nhóm dự báo kinh tế cho biết. Howard Archer, cố vấn kinh tế của EY ITEM Club, cho biết: "Sự cải thiện sức mua có nghĩa là người tiêu dùng đã ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong các quyết định chi tiêu của mình so với các doanh nghiệp trước những bất ổn đối với nền kinh tế và Brexit. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 suy yếu đến mức thấp nhất kể từ giữa năm 2013.”

Tổ chức này cũng dự báo rằng thị trường lao động sẽ ngày càng bị xáo trộn trong những tháng tới, khi các công ty điều chỉnh hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế trong nước bấp bênh, những bất ổn Brexit kéo dài, tình hình chính trị trong nước bất ổn và môi trường toàn cầu đầy thách thức. Do đó, dự báo tăng trưởng việc làm sẽ giảm xuống còn 1% vào năm 2019 và 0,6% vào năm 2020, từ mức 1,2% trong năm 2018.

Tăng trưởng chậm hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng sẽ làm tăng thêm áp lực cho các nhà bán lẻ vì phải đối mặt với việc thay đổi thói quen mua sắm và phải bỏ ra nhiều chi phí hơn khi chuyển sang trực tuyến. Một số thương hiệu lớn như Debenhams và Marks & Spencer đã tuyên bố đóng cửa nhiều cửa hàng, trong khi đế chế thời trang Topshop-to-Dorothy Perkins cũng phải rất cố gắng để không bị sụp đổ. Thực tế, các nhà bán lẻ phải vật lộn với chi phí lao động tăng, cùng với sự gia tăng của thuế tài sản kinh doanh và cạnh tranh trực tuyến ngày càng khốc liệt.

Người đứng đầu EY Item Club cho rằng, mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng có vẻ thuận lợi so với các bộ phận khác của nền kinh tế, nhưng vẫn yếu hơn nhiều so với những năm trước. 

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)