Nhẹ lòng bởi sau cùng, phản ánh, bức xúc của người dân đã được cơ quan chức năng lắng nghe, vào cuộc và giải quyết. Đối tượng chính của vụ việc-công ty khai tác cát vi phạm trong quá trình khai thác-đã bị xử phạt hành chính (1,6 tỷ đồng) và thu hồi giấy phép khai thác (do khai thác vượt độ sâu cho phép). Người dân bất đắc dĩ phải đóng cọc tre, thả rọ đá xuống sông Bồ để ngăn chặn vi phạm, sau đúng 1,5 tháng mất ăn mất ngủ, cũng đã tạm yên lòng.

Vụ việc đã có cái kết thỏa đáng, nhưng câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan chức năng ngang đâu trong việc lơi lỏng trong phối hợp kiểm tra, giám sát bởi việc khai thác cát sỏi trái phép lẫn được cấp phép dẫn đến sạt lở phía thượng nguồn sông Bồ đã diễn ra từ lâu, người dân nhiều lần phản ánh và kiến nghị lên các cấp nhưng không được giải quyết rốt ráo.

Câu hỏi trên cũng đã từng được đặt ra, trước tình trạng khai tác cát sỏi ồ ạt, bừa bãi, khó kiểm soát ở thượng nguồn sông Hương. Để ngăn chặn nạn “sa tặc” lộng hành, gây sạt lở vườn tược, ảnh hưởng đến sản xuất, nhà cửa..., người dân thôn Hộ (xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy) bất đắc dĩ phải thành lập tổ tự quản, cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để canh giữ, xua đuổi. Lo sợ công ty khai thác cát sỏi sắp được cấp phép sẽ vi phạm độ sâu, phạm vi khai thác khi được phép hoạt động, người dân phản ứng bằng cách nhổ, phá hủy cột mốc trên sông...

Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thừa Huế về nguyên nhân người dân phản ứng bột phát để ngăn chặn những vi phạm trong khai thác cát sỏi, lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường thừa nhận những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Theo đó, một loạt nguyên nhân được nêu ra như: Do địa hình sông nước khó quản; đơn vị, doanh nghiệp khai thác thiếu ý thức; khó kiểm soát đầu ra của cát, sỏi lòng sông; việc giám sát không thể thường trực do lực lượng mỏng; việc thẩm tra báo cáo của doanh nghiệp thiếu thông tin đối chứng; năng lực, phương tiện, nhân lực của địa phương trong công tác giám sát, phát hiện, dự báo vi phạm còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu sự quyết liệt, trách nhiệm chưa cao trong công tác chỉ đạo, điều hành;...

Cũng theo Sở Tài nguyên & Môi trường, qua các đợt kiểm tra, đã phát hiện 5 mỏ cát, sỏi của 4 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi lòng sông vượt độ sâu cho phép, kiến nghị UBND tỉnh xử phạt trên 4 tỷ đồng và tước giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Có kiểm tra, có xử lý nhưng rõ ràng, công tác quản lý, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong giám sát hoạt động khai thác cát sỏi đang có lỗ hổng lớn, gây ảnh hưởng môi trường, khiến người dân bức xúc. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, làm rõ sự tắc trách trong thực thi công vụ sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân vào năng lực, trách nhiệm công vụ của bộ máy công quyền.

Đối với vụ việc trên sông Bồ, không chỉ cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý liên đới, việc công ty sai phạm chấp hành xử phạt ra sao mà còn là trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường (hoàn nguyên lòng sông) do công ty này gây ra sau khi đóng mỏ như thế nào. Đó là những câu hỏi mà người dân và dư luận đang chờ đợi vai trò giám sát của cơ quan chức năng, để không rơi vào tình trạng phạt cho có…

Kim Oanh