1. Có việc phải lên Bệnh viện Trung Ương Huế sớm, chưa kịp ăn sáng nên sau khi xong việc tôi tạt vào một gánh bún ngay trước cổng bệnh viện lót dạ đã mới đi làm tiếp. Cũng có thể nói là “thổ địa” trong lĩnh vực ăn uống, nên tôi cũng chẳng hỏi giá làm gì, chỉ gọi 1 tô bún bò bình thường. Sau khi đưa tờ 50 ngàn, chị chủ gánh bún đưa lại 15 ngàn tiền thừa, tôi vẫn đứng đợi vì cứ nghĩ chị bán bún còn thiếu tiền mình. Nhưng thấy chị tiếp tục công việc nên tôi đành hỏi: “Tô bún bò ở đây giá 35 ngàn hả chị”, thì nhận được câu trả lời dứt khoát: Ừ, đúng rồi em, bún bò mà!
Thấy tôi thắc mắc sao đắt vậy, chị nói liên hồi: Bún bò Huế là đặc sản mà em, với có phải bún bò không đâu có cả chả cua và rau sống nữa mà!
Bây giờ thì tôi mới ngớ người ra, hóa ra vì cái giọng Quảng Bình đặc sệt của tôi nên được ăn đặc sản bún bò Huế gồm: 4 lát thịt bò, 1 miếng chả “tí hon” với giá 35 ngàn đồng.
Cũng không có nhiều thời gian đôi co mà bún thì cũng đã ăn rồi nên tôi đành ngậm ngùi ra về dẫu biết rằng trung bình 1 tô bún bò ở các quán cũng chỉ bán 20-25 ngàn đồng, quán nào xịn xịn thì cũng tầm 30 ngàn đồng. Nhiều hàng quán chặt chém khách du lịch đã là một hành động đáng lên án, làm xấu đi hình ảnh của thành phố, mà gánh bún ngay trước cổng bệnh viện, chủ yếu phục vụ cho bệnh nhân và người nhà mà cũng “chém” thì đúng là không còn lời nào để nói.
2. Cũng lâu rồi không đi ăn chè, nhân tiện có mấy đứa cháu ở quê vào chơi, tôi liền dẫn tụi nhỏ đến quán chè khá nổi tiếng để thưởng thức chè Huế. Thời tiết nắng nóng cùng với cao điểm mùa du lịch nên mới chiều tối mà quán chè đông nghịt, người đợi mua chè xếp hàng dài. Coi bộ không có chỗ ngồi thoải mái nên tôi định bụng mua về cũng được. Vừa mới đứng vào chỗ xếp hàng đợi để mua thì tiếng cô nhân viên lanh lảnh: “Mua gì? Đọc lại đi? Đá đấy, tự lấy đi”. Nhìn qua thì cô nhân viên mới ngoài 20 tuổi đang vừa nói vừa quát một khách hàng đáng tuổi cha, tuổi chú mình. Không chỉ tôi mà một số khách hàng đang há hốc miệng chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì một nhân viên khác to tiếng: Không mua thì thôi, mua có hai li chè mà hối, không thấy người ta đang bận à, không bán nữa. Tôi định bụng thôi thì lỡ giới thiệu với mấy đứa cháu nên ráng đợi để mua và lần sau chắc chắn sẽ không bao giờ ghé quán này nữa, mặc dù tôi rất thích ăn chè ở đây thì cô cháu gái vào kéo tay tôi và nói rõ to: Con không ăn chè nữa đâu, về thôi dì, nhân viên bán chè gì mà mất lịch sự, hỗn hào quá!
Sau câu nói của cô cháu gái, tôi thoạt nhìn thấy nhiều khách hàng đợi mua chè, có cả những người đã ngồi vào bàn cũng đứng dậy để ra về.
Lâu rồi không ghé nên tôi cũng không rõ quán chè Huế nổi tiếng tôi vẫn hay quảng bá chuyển thành quán chè "chửi" từ lúc nào. Cho dù là do đông khách quá nên "chảnh" hay là gì đi nữa, thì với tôi hay bất cứ khách hàng nào cũng không thể chấp nhận được cách cư xử như vậy. Điều đáng nói nữa là khi nhân viên quát tháo khách hàng thì chủ quán cứ nghiễm nhiên ngồi thu tiền như không hề có chuyện gì xảy ra.
Có một điều chắc chắn là những quán bún "chém" chè "chửi" kia chỉ là thiểu số, nhưng chính những cái thiểu số đó đã làm xấu đi hình ảnh về một thành phố thân thiện, hiếu khách mà chúng ta đã và đang nỗ lực xây dựng lâu nay.
Thảo Vy