Ông Trần Văn Châu phải đầu tư thêm 3 tỉ đồng để xây dựng kho cấp đông dự trữ cá

“Thiệt đơn, thiệt kép”

Kể từ năm 2016, đây là thời điểm các cơ sở thu mua hải sản khó khăn vì thị trường tiêu thụ kén.

Tại thị trấn Thuận An, các chủ cơ sở thu mua hải sản quy mô lớn đang “bó gối” trước sự im ắng của thị trường. Cơ sở kho lạnh Chính Thủy (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) mỗi tháng thu mua 300 – 400 tấn cá các loại từ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương.

Cá của cơ sở này không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các doanh nghiệp các tỉnh, thành lân cận thu mua để xuất khẩu sang nước ngoài. Những năm trước, mỗi tháng 2/3 số cá thu mua được thị trường tiêu thụ nhưng năm nay, gần 500 tấn cá vẫn còn tồn kho, chưa có ai hỏi mua khiến cơ sở này bị động trong việc xoay xở nguồn vốn.

“Cơ sở chúng tôi thu mua tất cả các loại cá, đặc biệt là những loại cá xuất khẩu như, ngừ, thu, hố…Tuy nhiên, chưa tiêu thụ được, tất cả các kho cấp đông chứa cá của cơ sở đã đầy, nếu thu mua thêm không biết để ở đâu. Cá sau khi thu mua, cấp đông phần lớn được chúng tôi bán lại cho các doanh nghiệp hấp, sấy ở Quảng Trị và một số tỉnh lân cận khác, nhưng năm nay rất ít doanh nghiệp hỏi mua. Bí đầu ra, nên phải bán lẻ ở trong tỉnh với giá rẻ, nhưng số cá bán được rất ít”, bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở kho lạnh Chính Thủy cho biết.

Để duy trì các kho cấp đông dự trữ cá, hàng tháng, các cơ sở cấp đông phải bỏ ra hàng chục triệu đồng chi phí điện, nước. Mặt khác, cá khó tiêu thụ khiến họ phải cắt giảm sản lượng thu mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân. “Nếu tình trạng này còn kéo dài, cơ sở tôi khó tiếp tục thu mua cá của ngư dân”, bà Thủy nói.

Cá tồn kho ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngư dân

Hiện nay, các cơ sở đông lạnh tồn kho chủ yếu nằm tại thị trấn Thuận An, đây là những đầu mối lớn giúp giải quyết bài toán khai thác của ngư dân. Hầu như, các cơ sở này đều kí cam kết tiêu thụ cá cho ngư dân. Trong điều kiện hiện nay, để duy trì hoạt động, họ phải vay vốn tái đầu tư.

“Cơ sở tôi có cam kết tiêu thụ hải sản cho nhiều tàu cá ở địa phương. Hiện nay, giá cá nục đang rớt mạnh nhưng tôi vẫn cam kết ngư dân tiêu thụ sản phẩm họ với giá 9 nghìn đồng/kg. Việc bí đầu ra khiến chúng tôi rất khó khăn”, ông Trần Văn Châu, chủ cơ sở kho lạnh Tám Thế (thị trấn Thuận An) ngậm ngùi.

Cơ sở kho lạnh của ông Châu cũng đang tồn đọng hơn 600 tấn cá các loại. Để đảm bảo đúng như cam kết với ngư dân, ông Châu buộc phải đầu tư 3 tỉ đồng để xây dựng thêm 2 kho cấp đông dự trữ cá.

“9 nghìn đồng/kg cá nục, chúng tôi đang tồn đọng đến 600 tấn nên số tiền “chết” hiện rất lớn. Ngoài ra, số tiền để bảo quản cá hàng tháng cũng không hề nhỏ. Việc cá tồn kho không chỉ khó khăn cho cơ sở thu mua như tôi mà ngư dân cũng chịu thiệt thòi khi giá cá bị giảm đáng kể. Không chỉ tôi mà nhiều cơ sở khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Tôi đang xây dựng thêm các kho cấp đông để bảo quan lượng cá tồn đọng, hy vọng sẽ xuất bán được vào mùa đông, thời điểm các tàu cá vào kỳ nghỉ”, ông Châu chia sẻ.

Bài toán mở rộng thị trường

Lý giải việc cá rớt giá, khó tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Thủy cho hay, thông thường sau khi thu mua, sản phẩm của cơ sở bà và những cơ sở khác sẽ được hấp, sấy chuyển sang thị trường Trung Quốc, Philippin. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, các đối tác nước bạn không nhập sản phẩm và ép giá khiến giá cá không bằng phân nửa so với thời điểm cùng kỳ.

“Bây giờ, liên lạc với các mối hàng truyền thống đều nhận sự lắc đầu từ họ. Lúc trước, nếu có 10 bạn hàng thì bây giờ 9 người đã không nhận nhập hàng. Lý do họ đưa ra là cá không thể tiêu thụ nên mình cũng đành chịu”, bà Thủy nói.

Theo tìm hiểu, các cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh thường liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm sau khi sơ chế được vận chuyển theo đường tiểu ngạch, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, việc Trung Quốc thắt chặt tiêu chuẩn, chất lượng của hàng nhập khẩu khiến cá của ngư dân tại các tỉnh miền Trung bị ứ đọng.

Các cơ quan chức năng cho rằng, để tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở kho đông lạnh cần mở rộng thị trường và có kế hoạch liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản lớn trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định mà còn sự tiêu thụ lâu dài, bền vững. Để làm được điều đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Cá không bán được, chắc chắn thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp và phụ thuộc. Do vậy, ngoài các đầu mối truyền thống, các chủ cơ sở cần tìm hiểu và liên kết với các đầu mối khác để giải quyết khâu thị trường. Sức tiêu thụ cũng tùy theo nhu cầu nên thời gian tới, giá cá có thể biến động”.        

Bài, ảnh: Lê Thọ