Ảnh chụp màn hình điện thoại di động do Yesenia D'Alessandro cung cấp cho thấy dữ liệu GPS theo dõi tuyến đường mà cô đã đi qua khi tìm kiếm Amanda Eller. Nguồn: AP

Cô trèo qua những hẻm núi lầy lội, băng suối và đối mặt với những con dốc cao được bao phủ bởi cây cối rậm rạp và lớp dương xỉ dày đặc nơi người bạn đại học của mình – cô Amanda Eller mất tích hồi tháng trước.

“Bạn phải tìm kiếm ở khắp mọi nơi” - D’Alessandro đến từ bang Maryland nói. “Bạn phải lội xuống lòng suối, cho dù bạn có không muốn đi chăng nữa. Cô ấy có thể ở dưới đó”.

D’Alessandro và những người khác thu thập dữ liệu GPS ở những nơi mà họ đã kiếm tìm, và các nhà tổ chức đưa nó lên một bản đồ kỹ thuật số chuyên dụng để giúp họ biết được về vị trí tiếp theo cần phải tìm.

Công nghệ này đã đưa các tình nguyện viên đến với Eller, người được tìm thấy bên cạnh một thác nước và sống sót 17 ngày trong rừng Maui bằng cách ăn thực vật và uống nước suối. Cuộc giải cứu đầy kịch tính của cô cho thấy công nghệ nổi bật đã giúp các đội tìm kiếm lùng sục hết khu vực hẻo lánh này hiệu quả hơn để tìm kiếm những người mất tích.

“Nó đã hướng chúng tôi từ việc tìm kiếm bên ngoài khu vực ưu tiên cao đó đến nơi mà chúng tôi thực sự tìm thấy Amanda”, ông John Eller - cha của Amanda nói.

Nhiều nhóm tại Hoa Kỳ đang chuyển sang kết hợp điện thoại di động tích hợp công nghệ GPS với bản đồ kỹ thuật số mô tả chi tiết các vách đá, hang động, thủy lộ và các loại địa hình khó tìm kiếm khác. Nó giúp quản lý tốt công việc cho một số lượng lớn tình nguyện viên.

Hệ thống thực sự hiệu quả khi những người cứu hộ ở Hawaii đã bao phủ bán kính 2 dặm (3 km) xung quanh xe của Eller. Sau đó, họ đã cử một chiếc trực thăng tìm kiếm xa hơn vào khu rừng, nơi họ phát hiện ra nhà vật lý trị liệu và huấn luyện viên yoga 35 tuổi này.

David Kovar, giám đốc vận động ủng hộ của Hiệp hội Liên bang về Tìm kiếm và Cứu nạn phi lợi nhuận cho biết, hầu hết các đội tìm kiếm và cứu hộ đều sử dụng bản đồ kỹ thuật số; có nghĩa là sử dụng các dữ liệu cơ bản của Google Maps cho đến sử dụng một phần mềm chuyên dụng có tên SARTopo, mà các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ ở California đã sử dụng để tư vấn từ xa cho các tình nguyện viên tại vùng núi Maui.

Đơn vị tổ chức đã cung cấp dữ liệu GPS cho nhóm tình nguyện viên tại California và những người này sử dụng SARTopo để tích hợp dữ liệu đó lên bản đồ địa hình, cho phép mọi người thấy khu vực nào đã được tìm kiếm và những đâu vẫn cần kiểm tra.

Những người tìm kiếm cũng đã sử dụng công nghệ này vào tháng 3 khi 100 tình nguyện viên tỏa vào một khu rừng ở Bắc California và tìm thấy bé Leia Carrico 8 tuổi và em gái 5 tuổi của em, Caroline, bị lạc gần nhà mình.

Tháng trước, các đội đã sử dụng công nghệ tương tự giúp xác định vị trí của một người leo núi 67 tuổi đi ra khỏi đường mòn trong một công viên tiểu bang ở phía bắc San Francisco. Một chiếc máy bay của Cảnh sát California có gắn camera hồng ngoại đã phát hiện ra người đàn ông này.

SARTopo cũng có thể được tải về dưới dạng một ứng dụng điện thoại di động, giúp việc kết nối dữ liệu GPS trực tiếp với các bản đồ kỹ thuật số dễ dàng hơn để những người tìm kiếm cứu nạn có thể sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi.

Anh Tuấn (Lược dịch từ AP)