Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Dung làm chủ lễ tế

Việc tổ chức Lễ tế Âm Hồn không chỉ thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân, mà còn là dịp nhắc nhở mọi người dân về một bài học lịch sử của quê hương, dịp để tưởng nhớ sự kiện thất thủ Kinh đô, khi hàng nghìn người, từ người già, trẻ em, binh lính… bị chết khi thực dân Pháp xâm lược.

Đây là năm thứ 3 mà Lễ tế Âm Hồn tại đàn Âm Hồn (73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, TP. Huế) được tổ chức. Trước đó, vào năm 2017, lần đầu tiên tổ chức đại lễ cầu siêu. Các năm trước, lễ tế thường bắt đầu vào khoảng 3 giờ sáng, riêng năm nay, lễ tế được tổ chức vào lúc 6 giờ sáng. Việc tổ chức vào thời gian này giúp nhiều du khách và người dân thuận lợi đến tìm hiểu và thắp hương cầu nguyện.

Đàn Âm Hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái, là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế (ngày 5/7/1885, nhằm ngày 23/5 năm Ất Dậu).

Hàng năm cứ đến ngày 23/5 âm lịch, người dân ở Huế tổ chức cúng âm hồn tại đàn Âm Hồn và các miếu âm hồn nằm trong khu vực thành nội Huế. Ðây là một nghi lễ cầu cho các vong hồn được siêu thoát. Nghi lễ này là một sinh hoạt tâm linh, đồng thời cũng là nét văn hóa đẹp, đầy tính nhân văn của người dân Huế.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Tiếng chiêng báo hiệu bắt đầu lễ tế

Đội khí nhạc phục vụ lễ tế

Đọc chúc văn

Lễ tế Âm Hồn thể hiện tính nhân văn, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người dân Huế

Văn sớ được phục dựng như đúng nghi lễ dưới triều Nguyễn

Dâng rượu

Nghi thức đốt văn sớ và vàng mã

Người dân và du khách vào thắp hương cầu nguyện 

Đức Quang (thực hiện)