Cơ hội cạnh tranh với dệt may Trung Quốc

Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo: Nếu hoàn tất ký kết EVFTA và đưa vào thực thi ngay trong năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ vượt 40 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018. Nếu EVFTA chưa có hiệu lực, dự kiến mức tăng trưởng của dệt may Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 tỷ USD.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, chỉ sau Mỹ và luôn có tăng trưởng tương đối cao (từ 7 - 10% hàng năm).

“Khi gia nhập EVFTA thì hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy với thị trường này chắc chắn chúng ta sẽ có sự tăng trưởng”, ông Cao Hữu Hiếu nhận định.

Nhìn lại sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực năm 2018, dệt may Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục tại thị trường Hàn Quốc, cạnh tranh “ngang cơ” với Trung Quốc tại thị trường này. Kinh nghiệm từ VKFTA cho thấy, tận dụng tốt các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.

“Tôi hy vọng sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội của hiệp định này để chiếm lĩnh thị trường EU, bù lại các thị trường khác và đặc biệt là trong trường hợp Trung Quốc có thể tham gia CPTPP”, ông Cao Hữu Hiếu kỳ vọng.

Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU. Trên bản đồ dệt may thế giới, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và gần bằng Ấn Độ. Tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU còn rất lớn. Với dân số 500 triệu người, hàng năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu trên 100 tỷ USD hàng may mặc.

Hiện thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%. Tới đây, khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% (trong vòng 7 năm). Đây là cơ hội rất lớn đối với dệt may Việt Nam.

Đảm bảo quy tắc “xuất xứ từ vải”

Để đón đầu cơ hội từ EVFTA, các DN trong ngành dệt may đã chủ động đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu. Bởi dệt may là mặt hàng khá nhạy cảm với EU, Hiệp định đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt. Theo đó, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép.

Để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, tiêu chuẩn kép là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).

Tuy nhiên, EU cũng cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ. Nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được hưởng ưu đãi, chẳng hạn vải sản xuất tại Hàn Quốc (nước đã có FTA song phương với EU).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó khoảng 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan (Trung Quốc).

“DN dệt may cần tăng cường khai thác nguồn vải từ EU và Hàn Quốc, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi để tăng cường xuất khẩu vào EU”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị.

Trong khi các DN lớn có thể chủ động khâu nguyên liệu, đầu tư cho các nhà máy dệt, nhuộm nhằm hưởng ưu đãi xuất xứ, thì giải pháp cho các DN dệt may vừa và nhỏ là liên kết theo chuỗi cung ứng. Đầu tư một nhà máy dệt cần vốn gấp 4 lần đầu tư một nhà máy may. DN vừa và nhỏ cần chủ động tìm đến DN sản xuất nguyên liệu, hoặc liên kết đầu tư nguồn nguyên liệu vải nhằm giảm việc nhập khẩu vải. Điều này vừa giúp đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa giúp cạnh tranh về giá cả.

“DN dệt may trong nước cần hình thành chuỗi liên kết nội tại, liên doanh với DN đến từ EU để chuyển giao công nghệ, tận dụng nguồn vải. Đặc biệt, hợp tác với các DN của EU trong lĩnh vực xơ sợi tổng hợp, sợi chất lượng cao để phát triển được nguồn vải trong nước”, ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Bên cạnh quy tắc xuất xứ, hàng dệt may xuất khẩu vào EU còn phải tuân thủ các quy định bắt buộc như: An toàn sản phẩm áp dụng cho tất cả các sản phẩm; hóa chất áp dụng cho hàng dệt, da và phụ kiện; nhãn mác áp quy tắc cụ thể cho hàng dệt (xuất xứ, tỷ lệ xơ sợi, hướng dẫn giặt là); Công ước CITES áp dụng cho các sản phẩm được làm từ nguyên liệu động thực vật hoang dã; cam kết bắt buộc đối với sở hữu trí tuệ...

Do đó, DN phải tìm hiểu kỹ những nội dung liên quan đến ngành dệt may trong EVFTA để chủ động thực thi.

Sau lễ ký kết vào ngày 30/6 tới, EVFTA còn phải trải qua quá trình phê chuẩn. Theo quy định, Nghị viện châu Âu sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Ủy ban châu Âu vào cuối năm 2019. Với Việt Nam, Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Theo Báo Tin tức