Chợt sống lại trong tôi, cũng về con đường này, là hình ảnh những quầy sách cũ bên vỉa hè của một thời. Cứ mỗi chiều đi làm về, tôi vẫn thích lang thang ở đó. Cảm giác khó tả khi lần đầu tiên phát hiện được cuốn sách “Chuyện một người chân chính” của nhà văn Xô viết Boris Polevoy mà tôi đọc cách nay 40 năm. Cũng từ những chiếu sách kia, tôi sưu tập gần như trọn vẹn những số đầu tiên của Tạp chí Sông Hương.

Lần đầu tiên nghe tin về việc đầu tư xây dựng nơi đây trở thành con đường sách duy nhất của Huế, tôi mừng. Hay tin về dự kiến sẽ bố trí ở nơi này hàng vạn đầu sách mới và đã qua sử dụng với kỳ vọng trở thành nơi tiêu biểu, định hướng gu đọc sách cho người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc vốn đang trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn lướt của các phương tiện nghe - nhìn, tôi có một cảm giác chờ đợi. Thế nhưng, những gì đã và đang diễn ra khiến tôi thất vọng.

Khác với phố sách ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, không gian dành cho con đường sách Hai Bà Trưng chỉ là một đoạn vỉa hè không quá rộng, men theo những bờ tường lớn. Ở đây không hề có những phần đất hay công trình xây dựng kiến trúc dành cho việc kinh doanh sách nói riêng và các dịch vụ khác đi kèm nói chung. Thế nên, cái vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ đã “bị lấn chiếm” để dựng nên những quầy sách và hơn thế là không gian văn hóa đọc với nhiều dịch vụ kèm theo. Rõ ràng, khi công trình xây dựng nằm trên vỉa hè, làm sao có thể đòi hỏi về công trình vệ sinh, các giải pháp xử lý điện hay phòng cháy và chữa cháy, cùng bao yêu cầu khác nữa đặt ra.

Anh bạn tôi ở TP. Hồ Chí Minh kể rằng, thỉnh thoảng vào buổi sáng vẫn thường hay tới đường sách cũ Đặng Thị Nhu. Con đường nhỏ nhắn, đứng một đầu đường nhìn được tới đầu kia. Ở đó người ta có thể ngồi thưởng thức cà phê ngon ở những quán sách đẹp, từ tốn ghé vào từng nhà sách... Rồi anh bảo, nơi đây ta có thể ngắm nhìn một Sài Gòn trẻ trung, năng động trên những gương mặt trẻ đang dạo chơi, chụp hình rồi mua sách. Đường sách ở nước ta còn là không gian để thưởng thức (vui chơi) chứ không đơn thuần để mua bán sách.

TP. Hồ Chí Minh hiện có nhiều con đường sách và chỉ được đánh giá thành công khi tạo được 3 dấu ấn quan trọng. Đầu tiên là, việc xây dựng nên một không gian văn hóa. Thứ hai là, tạo thành một điểm đến yêu thích không chỉ của người dân thành phố mà với cả du khách. Cuối cùng là việc xây dựng nên một thương hiệu văn hóa, nơi được nghĩ đến đầu tiên với những ai muốn tham dự hay tổ chức một sự kiện văn hóa, nhất là nếu có liên quan đến sách. Một thành phố văn hóa như Huế, xem ra vẫn cần có con đường sách như thế. Thế nhưng, muốn đạt được, nó cần có sự tiếp cận vấn đề nghiêm túc đảm bảo các quy định pháp luật, có sự hiểu biết và có văn hóa. Đường sách Hai Bà Trưng là một thử nghiệm buồn.

ĐAN DUY