Phạm Lệ trong hình ảnh nàng Mơ - cô con gái hiếu thuận

Phạm Lệ được đào tạo từ “lò” Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế. Sau khi tốt nghiệp, chị đầu quân cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Từ đó đến nay đã 18 năm, Phạm Lệ cứng nghề chủ yếu ở lĩnh vực múa cung đình và ca Huế. Cơ hội tạo nên sức bật nghề nghiệp là khi Phạm Lệ lần lượt được giao vai nữ chính trong hai vở tuồng để tham gia các hội diễn, liên hoan và chị đã đạt huy chương. Vai nữ chính đầu tiên là Thụy Vân trong “Trò đời nghiệt ngã” năm 2018, do Hội Sân khấu tỉnh Thừa Thiên Huế dàn dựng. Vai nữ chính thứ hai là cô Mơ hiền ngoan và giỏi nghề làm gốm trong “Tình trong mơ” năm 2019, do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng.

“Trò đời nghiệt ngã” mượn bối cảnh xã hội phong kiến kể lại chuyện đời trong xã hội hiện nay. Đâu đó vẫn có người vì lòng tham, quyền lực chi phối gây ra những trò đời nghiệt ngã. Đây là vở tuồng được Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế thực hiện hoàn toàn bằng tinh thần xã hội hóa. Phạm Lệ vào vai Thụy Vân, người yêu của Phùng Ngọc – chàng trai vì chữ hiếu mà nhận tội thay cha, chấp nhận chịu cảnh khổ nhục của tử tù, xa cách… Vở diễn đem về một huy chương vàng và ba huy chương bạc cho các nghệ sĩ biểu diễn. Trong đó, HCV gọi tên Phạm Lệ, cũng là huy chương đầu tiên trên đường nghệ sĩ của chị.

Phạm Lệ trong phân cảnh nàng Mơ tìm được tình yêu

“Mơ! Quả thật là mơ đối với tôi, khi giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực”, Phạm Lệ không nén được xúc động khi lần thứ hai được xướng tên với giải thưởng là HCV cho nhân vật Mơ trong “Tình trong mơ”. Nếu so sánh với “vàng” của Thụy Vân, thì “vàng” của nàng Mơ “ròng” hơn nhiều. Vì Liên hoan sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2019 có quy mô lớn hơn và huy chương này được tính là một chỉ tiêu hoàn chỉnh để xét danh hiệu nghệ sĩ về sau. “Tôi rất hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này. Đây cũng là giải thưởng chung của cả ê-kip, ban nhạc, tổ hậu đài, bộ phận phục trang, kỹ thuật, anh chị em đồng nghiệp và đặc biệt là NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát, cũng là người đã luôn động viên, hướng dẫn tôi từng động tác, lời ca, cách diễn để thể hiện được vẻ đẹp của Mơ”, Phạm Lệ chia sẻ.

Dưới triều đại nhà Nguyễn, nghệ thuật tuồng phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao và trở thành quốc kịch. Với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tiếp tục kế thừa và giữ lửa tuồng với lớp thế hệ kế cận đầy tâm huyết, như: NSND Bạch Hạc, nghệ sĩ Bạch Hoa, NSƯT Thanh Long, NSƯT Văn Mười, NSƯT Phong Thủy, NSƯT Hoàng Hằng, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Thế Tuệ… và lớp diễn viên đa năng, thấm đẫm “lửa” nghề, trong đó có Phạm Lệ. Hiện, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế có một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công gần 200 người tham gia hoạt động. Đội ngũ hùng hậu là một lợi thế của tập thể, nhưng cũng là sự chia sẻ cơ hội đối với mỗi cá nhân cầu tiến. Với Phạm Lệ, ngay khi được chia sẻ cơ hội trên đường đua nghệ thuật, chị đã vận dụng hết tất cả các yếu tố “thanh-sắc-thục-tinh-khí” của một người nghệ sĩ để tỏa sáng bằng hình tượng của nhân vật.

Là người trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật cho “Tình trong mơ’ và hỗ trợ các diễn viên lĩnh hội tốt hơn ý đồ của đạo diễn, NSND Bạch Hạc đánh giá cao kết quả đạt được của nghệ sĩ Phạm Lệ. Do đặc thù công việc, đội ngũ diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế không có sự phân định rạch ròi giữa các lĩnh vực. Nhiều nghệ sĩ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực múa cung đình, nhưng khi cần vẫn diễn tuồng như thường. Đây cũng là kết quả của quá trình tự đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát.

Không có nhiều diễn viên đạt được thành quả như nghệ sĩ Phạm Lệ. “Chỉ có một số ít nghệ sĩ múa khi được giao vai trong các vở tuồng mới làm tốt. Ngoài năng khiếu và được hướng dẫn đào tạo, quan trọng là bản thân mỗi người phải chịu khó luyện tập. Phạm Lệ là một trong những nghệ sĩ có năng khiếu, ngoại hình sáng, có kiến thức cơ bản về tuồng, giữ được niềm đam mê và tích cực luyện tập, nên giải thưởng em đạt được là hoàn toàn xứng đáng”, NSND Bạch Hạc nói.

Với nghệ sĩ Phạm Lệ, kết quả chị đạt được hôm nay là nguồn năng lượng tích cực dẫn chị luôn hướng về phía trước – nơi chị xứng đáng với danh xưng “thế hệ tiếp nối” của nghệ thuật cung đình Huế.

Bài, ảnh: THU THỦY