Cách đó không xa, trung đội bộ binh thực hành nội dung chiến thuật tiến công địch đổ bộ. Đây là chiến thuật cơ bản của trung đội, đòi hỏi tính hiệp đồng chiến đấu cao. Các chiến sĩ học khoa mục ném lựu đạn đã thể hiện độ chính xác cao, vừa ném được xa, vừa bảo đảm đúng mục tiêu. Bộ phận luyện tập kỹ thuật gói buộc lượng nổ cũng đang tập trung cao độ vào bài học. Những bàn tay quen với cầm cuốc, cầm cày nay phải tỉ mỉ với từng động tác gói buộc. Không khí học tập trên thao trường thật sự sôi nổi.

Giờ giải lao, trung đội trưởng Nguyễn Cửu Ánh (ở phường Thuỷ Châu), tâm sự: Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi học kỹ thuật đào bếp Hoàng Cầm. Bếp được đào dưới đất thành một hầm chữ nhật, chiều dài 1,5m đến 1,8m, chiều rộng 1,2m đến 1,5m, sâu 0,7m đến 0,8m, gồm: Hố đun (trên đặt nồi), hố ngồi nấu (dành cho người nấu), trên có mái che mưa, nắng. Từ hố đun, đào một hệ thống hai đường dẫn khói. Cách một đoạn đào một hầm chứa khói. Từ hầm chứa khói làm hai đường rãnh vừa để tản khói vừa là rãnh thoát nước. Trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khi đun, khói từ trong bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát của đối phương bay trên đầu vẫn không bị lộ khói và lửa. Nhờ có bếp Hoàng Cầm nên trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, khó khăn, thiếu thốn, bom đạn của kẻ thù ngày ấy, Tiểu đội trưởng nuôi quân Hoàng Cầm cùng tổ nuôi quân vẫn đảm bảo cơm nóng, canh ngọt cho bộ đội kháng chiến… “Đợt huấn luyện này cho mình sống lại những tháng ngày trong quân ngũ với bao kỷ niệm về tình đồng đội ký ức ấy sẽ không bao giờ phai nhạt” - Trung đội trưởng Ánh thổ lộ.
Quốc Tuấn