Selfie không đúng nơi, đúng lúc gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Phys.org

Hiện nay, số vụ tử vong đã và đang tăng cao hơn mỗi năm khi điện thoại thông minh trở nên hiện đại hơn, đồng thời dụng cụ hỗ trợ như gậy tự sướng cũng được sử dụng khá phổ biến khiến mọi người có thể lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm để có một bức ảnh đẹp.

Trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017, có ít nhất 259 người đã tử vong do tai nạn trong khi chụp ảnh tự sướng trên toàn cầu, số liệu đưa ra trên Tạp chí y học gia đình và chăm sóc sức khỏe ban đầu của Ấn Độ cho hay. Con số ghi nhận cao hơn gấp nhiều lần so với 50 người tử vong do bị cá mập tấn công vào cùng giai đoạn.

Trong khi phụ nữ thường selfie nhiều hơn, những chàng trai trẻ lại là đối tượng dễ gặp rủi ro hơn và thường chiếm 2/3 số người tử vong do selfie, nhất là do đuối nước, té, ngã...

Ấn Độ - quốc gia có dân số hơn 1,3 tỷ người, 800 triệu điện thoại di động được sử dụng hiện đang giữ kỷ lục về số lượng ca tử vong do chụp ảnh tự sướng cao nhất thế giới, với khoảng 159 người tử vong ghi nhận cho đến thời điểm hiện tại.

Cụ thể, nhiều thanh niên Ấn Độ đã bị tàu đâm trong khi cố chụp ảnh tự sướng với đoàn tàu, hoặc chết đuối do thuyền chìm trong lúc đang chụp ảnh.

Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến chính phủ Ấn Độ buộc phải thiết lập các khu vực “không selfie”, 16 nơi trong số đó là tại Mumbai.

Tại Mỹ, phần lớn các trường hợp tử vong là do người dân cố ý tìm những tư thế hoàn hảo, nhưng nguy hiểm để chụp ảnh.

Ngay cả khi không gây ra tại nạn hoặc tử vong, chụp ảnh tự sướng cũng gây ra rất nhiều hậu quả và được xem là không phù hợp tại một số nơi. Đơn cử, từ Brazil, Việt Nam đến Đức, thay vì tập trung cứu hộ, người dân thường có thói quen chụp ảnh tự sướng tại hiện trường tai nạn. Thêm vào đó, tại các đảo thiên đường, việc chụp ảnh tự sướng quá nhiều cũng gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân địa phương. Đối diện với sự điên cuồng trong thói quen này, vừa qua, Vienna đã phát động chiến dịch cai nghiên kỹ thuật số.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)