Trao giải cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Huế năm 2019

Khát vọng

Doanh nghiệp khởi nghiệp bao giờ cũng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động. Đó có thể là ý tưởng, vốn hoặc nhân lực… Tuy nhiên, những năm qua, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đang ngày càng trưởng thành và năng động.

Lê Thị Kim Hằng, người đồng sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue khởi nghiệp bằng việc kinh doanh đặc sản Huế. Và bây giờ, ít nhất Hằng đã thành công với 4 tấn gia vị bún bò Huế xuất sang Mỹ theo đường chính ngạch. Hằng bảo, khởi nghiệp quan trọng là ý tưởng và chiến lược kinh doanh. “Tôi mất một khoảng thời gian để khảo sát thị trường. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ là ý tưởng, chiến lược ngay từ đầu của công ty".

Khi quyết định khởi nghiệp, ranh giới giữa thành công và thất bại quả mong manh. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cho rằng, so với các thành phố lớn, khởi nghiệp ở Huế có khá nhiều thiệt thòi về môi trường phát triển của ý tưởng. “Một startup có một dự án tốt và đạt giải cao trong một cuộc thi khởi nghiệp cũng chưa chắc trụ vững tại Huế. Nhiều bạn trẻ phải thay đổi môi trường phù hợp hơn để phát triển. Khi những dự án hay, tốt của người Huế rời khỏi đất Huế thì quả thực là điều đáng tiếc”. Võ Hà Nhi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Huế, quản lý và đồng sáng lập Ata Global, Connect Space và ketoan365.com chia sẻ.

Con người là yếu tố cơ bản, tiên quyết dẫn đến thành công của dự án kinh doanh. Tại Huế, bên cạnh những doanh nhân bản địa, nhiều doanh nhân xuất thân từ các địa phương khác hoặc các vùng quê nghèo cũng đang thành công tại vùng đất Cố đô. Họ có chiến lược kinh doanh phù hợp, phát huy được phẩm chất năng lực được đào tạo.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Doanh nhân xuất thân từ các địa phương khác là bộ phận không nhỏ trong đội ngũ doanh nhân Thừa Thiên Huế. Họ học ở Huế, ra trường ở lại làm việc và gắn bó luôn với Huế hoặc từ các vùng quê về Huế kinh doanh và gặt hái thành công trong sản xuất kinh doanh. Đó là những tấm gương vượt khó trong khởi nghiệp với những ý tưởng tốt, có chỗ đứng. Khi phong trào khởi nghiệp lan tỏa, họ là tấm gương cho nhiều người trẻ có khát vọng”.

Du khách tìm hiểu sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp Huế

Nhiều chính sách hỗ trợ

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp mới khởi nghiệp, như: thường xuyên triển khai chương trình Cafe doanh nhân theo từng chuyên đề đã thông tin kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời lắng nghe tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thông tin: "Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi làm cầu nối cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện, doanh nghiệp hay bạn trẻ khởi nghiệp đang khó khăn về nguồn vốn và ý tưởng. Nhằm tìm hướng, một số doanh nghiệp đã chủ động cổ phần hóa, đó cũng như là cách để họ giải quyết bài toán nguồn vốn và cùng nhau khởi nghiệp”.

Ông Dương Tuấn Anh cho rằng, trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp phải có nguồn lực chất lượng. Để góp phần đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã hợp các với các trường, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo về quản trị kinh doanh nhằm tào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội.

“Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức 7 khóa đào tạo giám đốc điều hành (CEO) cho 235 cán bộ quản lý của doanh nghiệp, trong đó có nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp đã qua đào tạo tại các trường kinh tế, trường nghề. Hiệp hội cũng thành lập Câu lạc bộ CEO Huế nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân trẻ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của các doanh nhân trẻ đang gặt hái thành công trong sản xuất kinh doanh đã minh chứng kết quả đào tạo cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp”. Ông Dương Tuấn Anh nói.

 Lê Thọ - Liên Minh