Trung tâm Giá trị sống Delta giáo dục kỹ năng sống cho trẻ qua hoạt động trải nghiệm

Đã có mô hình tốt

Đánh giá về phong trào khởi nghiệp ở Huế, ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc FINNO Group, chuyên gia huấn luyện và cố vấn doanh nghiệp sáng tạo cho rằng, tuy mới giai đoạn "ươm mầm" và mới được tập trung 3 năm gần đây, song ở Huế đã xuất hiện những nhân tố tốt.

Có thể kể, đó là dự án "Gia vị bún bò Huế" của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue; dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang" của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Xưa của Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh; mô hình "Kiến trúc giấy làm quà tặng" của Lê Ngọc Tuấn Anh; dự án "I love Hue tuor" của Nguyễn Thị Hương Liên; dự án "Phát triển kỹ năng sống cho trẻ em thông qua mô hình giáo dục tự nhiên" của Trung tâm Giá trị sống Delta; dự án "Phát triển tiềm năng sen Huế" của Nguyễn Thanh Thảo…

Sản phẩm của dự án Phát triển tiềm năng sen Huế tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2018. Ảnh: NGỌC THIỆN

Nhiều dự án trong đó đã vươn ra tầm quốc tế, như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue trở thành đơn vị đầu tiên xuất khẩu gia vị bún bò Huế và các sản phẩm khác, như tương ớt, dầu điều phi sang Mỹ theo đường chính ngạch. Hay, từ "I love Huế tour" thì nay đã mở rộng ra thành "I love Hà Nội tour", "I love Hội An tour" và "I love Lào tour"… Chị Nguyễn Thị Thu Trang, đồng sáng lập Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CoPLUS, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng thì đánh giá: Tỷ lệ thành công các dự án bước ra từ vườn ươm tạo của trung tâm đạt khoảng 80%.

Bước ra vùng an toàn

Chị Dương Thị Thúy Hằng, chủ dự án Hue Lotus Homestay chia sẻ, chính sự mạnh dạn, "liều lĩnh" và đam mê đã giúp chị vượt qua được những rào cản, như không giỏi tiếng Anh, chưa biết gì về khởi nghiệp, sự ngăn cản của người thân … Và rồi, cuối cùng chị cũng cho ra đời được dự án Hue Lotus Homestay, tuy đang giai đoạn hoàn thành nhưng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Anh Văn Công Hùng, phụ trách Trung tâm Giá trị sống Delta tâm sự, sinh ra trong gia đình khá giả, bố mẹ bao bọc từ khi còn nhỏ. Tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ thanh niên, anh nhận thấy sự nhàm chán với lối sống thụ động theo sự bao bọc của bố mẹ. Anh đã mạnh dạn vượt qua, từ khi còn là sinh viên đại học năm 2. Các bạn trẻ Huế hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn với tất cả nỗ lực và niềm đam mê, lúc đó sẽ thấy khởi nghiệp không khó khăn và đáng sợ như chúng ta nghĩ”, Hùng tự tin.

Trong một lần tham gia diễn đàn “Khởi nghiệp trẻ” do Tỉnh đoàn tổ chức, anh Lê Xuân Phương, Giám đốc công ty TNHH DMZ chia sẻ: Khi bắt đầu khởi nghiệp hầu hết ai cũng gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nếu để thất bại thì rất khó gượng dậy. Để tránh thất bại, trong quá trình khởi nghiệp, bên cạnh tính toán kỹ, anh luôn tìm hiểu, học hỏi từ thất bại của người khác để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Không còn đơn độc

Thời gian qua, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hoạt động để đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, gồm: 3 đợt tuyên dương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu; gần 10 cuộc diễn đàn khởi nghiệp và đã mời nhiều doanh nhân tiêu biểu trong cả nước để truyền lửa và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên; 10 lớp tập huấn khởi nghiệp giới thiệu những cơ chế chính sách về khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn...

Ông Trương Thanh Hùng khuyên: Hiện nay, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp vì vậy các bạn không lo đơn độc trên con đường khởi nghiệp. Khi có ý tưởng, các bạn đừng tự mày mò theo kiểu tự phát để rồi chuốc lấy thất bại không đáng có. Hãy đến gõ cửa các vườn ươm hay các tổ chức, như Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, CLB Khởi nghiệp, Hội LHTN các cấp... ở đó các bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ miễn phí.

Đề cập đến vấn đề vốn, các chuyên gia cho rằng, vốn không hẳn là vấn đề tiên quyết và đáng lo khi khởi nghiệp. Bởi, hiện nay có rất nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần đang muốn đầu tư… Điều quan trọng là các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ có thật sự xuất sắc, thật sự khả thi để nhận được đầu tư hay không.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và kinh nghiệm của người đi trước, anh Lê Xuân Phương cho biết, sẵn sàng đưa các bạn sinh viên thật sự muốn khởi nghiệp tiếp xúc với các doanh nghiệp để trực tiếp trao đổi, tìm hiểu những khó khăn hay thất bại mà các CEO gặp phải, từ đó rút kinh nghiệm khởi nghiệp thành công.

Chị Nguyễn Thu Trang quan niệm, các bạn trẻ khởi nghiệp đừng tư duy theo kiểu phải có sự hỗ trợ thì tôi mới làm. Bản thân người khởi nghiệp phải bản lĩnh, xông pha sẵn sàng vượt qua những thử thách và xem sự hỗ trợ chỉ như chất xúc tác để đi nhanh hơn và hạn chế thất bại hơn.

 HẢI THUẬN