Nhà, đất 83m2 tại 120 Hùng Vương, phường Phú Nhuận, TP Huế là tài sản của bà Hoàng Thị Tiếp (đã mất năm 2004). Bà tiếp di chúc để lại khối di sản này cho 7 người con. Sau khi bà Tiếp mất, ông Thắng tiếp tục quản lý, sử dụng ngôi nhà. Anh chị em ông Thắng không thỏa thuận được với nhau nên khởi kiện ra tòa án yêu cầu chia thừa kế. Tại phiên tòa, ông Thắng không đồng ý nhận nhà để thanh toán lại giá trị cho những người thừa kế khác. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử, giao nhà, đất nói trên (được định giá 3.034.925.500 đồng) cho ông, bà Võ Phước Thăng, Võ Thị Mỹ, Võ Thị Ái sở hữu chung và có trách nhiệm cùng nhau thanh toán giá trị cho những người thừa kế khác. Trong đó, phần của ông Thắng 780.410.000 đồng.

Quang cảnh tại buổi cưỡng chế

Ông Hoàng Trọng Ba, chấp hành viên cho biết, sau khi bản án phát sinh hiệu lực pháp luật, những người được THA (được giao nhà, đất 120 Hùng Vương) có đơn yêu cầu THA. Cơ quan THA nhiều lần mời ông Thắng đến làm việc, giải thích pháp luật, vận động, thuyết phục tự nguyện giao nhà, nhưng ông Thắng vẫn không hợp tác, chấp hành và cũng không đồng ý nhận khoản tiền thanh toán tòa tuyên (số tiền này đã nộp tại cơ quan THA). Do đó, Cục THA phải tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Nhà 120 Hùng Vương mà ông Thắng phải giao, nằm trên trục đường chính, gần chợ An Cựu, mật độ dân cư đông đúc, lưu lượng người tham gia giao thông nhiều. Đề phòng sự hiếu kỳ của người dân, thái độ bất hợp tác của người phải thi hành án, có thể phát sinh tình huống phức tạp, nên cơ quan THA đã chuẩn bị kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đảm bảo thực hiện tốt cưỡng chế, thực thi pháp luật. Không chỉ lực lượng cán bộ các cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương, ngành y tế...mà cả cơ quan điện, nước cũng “vào cuộc” phối hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản, tính mạng của người bị cưỡng chế, tình hình trật tự và an toàn xã hội tại địa điểm cưỡng chế, không để xảy ra cháy nổ, bạo động...
Ngay cả công tác tuyên truyền giải thích pháp luật cho người dân tại khu vực, cũng được thực hiện cặn kẽ. Trước ngày thực hiện cưỡng chế, cơ quan THA phối hợp với địa phương, tổ chức họp, giải thích pháp luật cho người dân để đảm bảo tâm lý ổn định tại khu dân cư. Trước đó, một số người dân sinh sống trong khu vực thắc mắc, ông Thắng quản lý ngôi nhà từ trước đến nay, khi cha mẹ mất vẫn tiếp tục quản lý, lo hương khói cho cha mẹ, vì sao lại phải “bị đưa ra khỏi nhà”? Họ cho rằng ông Thắng bị cưỡng chế giao nhà là bất hợp lý. Tuy nhiên, sau khi được giải thích pháp luật, người dân đã hiểu và “thông suốt” về quyền và nghĩa vụ của công dân trước pháp luật.
7 giờ ngày 22/7, trước lúc đến địa điểm cưỡng chế, ông Lê Kính, Phó Cục trưởng Cục THA tiếp tục chủ trì cuộc họp tại UBND phường Phú Nhuận, với các lực lượng phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể để xử lý các tình huống khi có phát sinh. Trong quá trình tiến hành cưỡng chế giao nhà, người phải THA, ông Võ Phước Thắng vẫn có thái độ bất hợp tác. Lực lượng thi hành án tiếp tục vừa giải thích pháp luật, vừa vận động ông Thắng thực hiện nghĩa vụ của mình (như bản án đã xử). Nhờ vậy, ông Thắng đã không có hành vi chống đối quyết liệt. Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, tài sản các nhân của ông Thắng được niêm phong đưa về bảo quản tại UBND phường. Bản thân ông Thắng tự động ra khỏi nhà. Nhà, đất 120 Hùng Vương được giao cho các ông bà Võ Phước Thăng, Võ Thị Mỹ, Võ Thị Ái, là những người được THA.
Tuy ngôi nhà phải THA nằm ở vị trí “phức tạp” (gần chợ, dân cư và người tham gia giao thông đông đúc), người phải THA bất hợp tác, nhưng do chuẩn bị, phối hợp tốt với các lực lượng liên quan, đặc biệt làm tốt công tác truyên truyền vận động pháp luật cho người dân nói chung và bản thân người phải THA, nên Cơ quan THA đã làm tốt việc cưỡng chế giao nhà (nói trên).
Bài, ảnh: Quỳnh Anh