Nhân viên y tế ở Yemen đang chuẩn bị tiêm vaccine cho một đứa trẻ. Ảnh: UN

Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore cho rằng “thông tin sai lệch về vaccine cũng nguy hiểm như một dịch bệnh. Nó lan truyền nhanh chóng và gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng”.

Trong 3 thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến ​​những tiến bộ đáng kể về sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, trong đó việc tiêm chủng đã góp phần làm giảm đáng kể số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, theo thông tin từ UNICEF.

Tuy nhiên giờ đây, khi thế giới đang tiến đến gần mục tiêu xoá sổ những căn bệnh chết người ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em thì những thách thức nghiêm trọng lại bắt đầu xuất hiện.

Thông tin sai lệch

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tác dụng của vaccine trong việc cứu sống và kiểm soát bệnh tật, hàng triệu trẻ nhỏ trên khắp thế giới vẫn không được tiêm chủng, khiến trẻ và cộng đồng xung quanh chúng phải đối mặt với nguy cơ bùng phát những căn bệnh chết người.

Theo giải thích của LHQ, vấn đề này là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm việc tiêm chủng, bị ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống y tế yếu kém, nghèo đói và xung đột đang xảy ra. Hơn nữa, những thách thức mới nổi kết hợp những hoài nghi về sự an toàn và hiệu quả của vaccine, được thúc đẩy bởi những thông tin sai lệch có chủ ý trên mạng internet càng đe dọa tăng thêm nỗi lo này.

UNICEF nói rằng các nhóm chống vaccine trên mạng đã khai thác hiệu quả phương tiện truyền thông xã hội, tạo ra sự nhầm lẫn và làm dấy lên nỗi sợ hãi của các bậc cha mẹ, có khả năng làm suy yếu tiến trình tiếp cận vaccine của tất cả trẻ em.

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa

Trong sự kiện diễn ra tại Trụ sở LHQ ở New York tuần này, các chuyên gia đã phân tích làm thế nào để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trì trệ hoặc giảm sút, và trẻ em phải quyền được tiêm chủng.

Người đứng đầu UNICEF nhấn mạnh, “vaccine giúp cứu sống tới 3 triệu sinh mạng mỗi năm – tương đương với hơn 5 người được cứu mỗi phút”. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng nhiều nỗ lực hơn nữa cần phải được thực hiện vì 20 triệu trẻ em vẫn đang bỏ lỡ việc tiêm chủng.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc tăng độ bao phủ vaccine toàn cầu, một số quốc gia vẫn đang phải vật lộn để cung cấp dịch vụ tiêm chủng chất lượng và giá cả phải chăng cho người dân.

UNICEF nhấn mạnh rằng các quốc gia đầu tư vào các nguồn lực trong nước và cam kết chính trị trong tiêm chủng là một điểm khởi đầu để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, đó cũng là trọng tâm để đảm bảo bảo hiểm y tế toàn cầu.

Cơ quan LHQ cũng ủng hộ một nền tảng đối thoại về các cách để đảo ngược tình trạng tỷ lệ tiêm chủng giảm, xây dựng niềm tin và nhu cầu tiêm chủng rộng rãi. Đây cũng là một mục tiêu trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 3.8, hướng tới việc tiếp cận nhiều hơn với “các loại thuốc thiết yếu và vaccine một cách an toàn, hiệu quả, chất lượng và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & UN)