Một tài xế Grab đang chờ khách ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Tính đến năm 2018, ASEAN có 10 công ty startup kỳ lân nhưng con số này sẽ tăng lên trong 5 năm tới, với ít nhất 10 công ty nữa đạt được trạng thái “kỳ lân”. Trong số những công ty kỳ lân này là Grab, hiện được xem là một trong những doanh nghiệp lớn nhất khu vực sau khi mua lại đối thủ Uber vào năm 2018. Go-Jek của Indonesia hiện là đối thủ của Grab, sau khi công ty này đạt được trạng thái kỳ lân vào năm 2016. Việt Nam cũng đã có startup kỳ lân đầu tiên là VNG Corporation, chuyên về trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử. Trong khi đó, bất chấp những nỗ lực của cả chính phủ và các công ty lớn, hiện vẫn chưa có công ty khởi nghiệp nào ở Thái Lan tiến gần đến trạng thái kỳ lân đáng mong đợi.

ASEAN sôi động

Môi trường kinh doanh sôi động của ASEAN đã cung cấp không gian cho các doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển mạnh. Các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử và dịch vụ theo yêu cầu đang phát triển từ thế mạnh này sang thế mạnh khác trong khu vực. Rõ ràng, doanh thu thương mại điện tử của khu vực dự kiến ​​sẽ vượt 25 tỷ USD vào năm 2020.

Sự phát triển nhanh chóng của ASEAN cùng với hệ sinh thái các nhà đầu tư quan trọng đã khiến nhiều doanh nhân cân nhắc xây dựng thương hiệu và doanh nghiệp của họ trong khu vực. Báo cáo tương tự của Bain & Company cho biết 90% các nhà đầu tư tin rằng thị trường mạnh nhất năm 2019 sau Singapore sẽ là Indonesia và Việt Nam. Hơn 60% các nhà đầu tư này dự đoán rằng công nghệ sẽ là lĩnh vực đầu tư hàng đầu trong năm 2019.

Theo phân tích của Acckey, ASEAN có dân số trẻ, tạo thành phần lớn lực lượng lao động trong khu vực, đó là những người trẻ, biết đọc viết và hiểu biết về công nghệ. Và lượng nhân khẩu học này sẽ có thể xử lý lĩnh vực công nghệ tài chính đang bùng nổ.

Mặc dù ASEAN đại diện cho một nhóm các quốc gia khác biệt về văn hóa, kinh tế và thương mại, nhưng khu vực thương mại chung hoạt động như một nền kinh tế thống nhất, vẫn tiếp tục thu hút các công ty và nhà đầu tư. Lợi thế khu vực này thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới và cung cấp cho các công ty cơ hội mở rộng thị trường.

Giấc mơ “Thung lũng Silicon”

Giống như phần lớn các công tu khởi nghiệp, các kỳ lân Đông Nam Á bắt đầu từ những khởi đầu khiêm tốn. Nhưng kể từ đó, họ đã tiến nhanh để mở rộng công ty và có tổng giá trị thị trường là 34 tỷ USD, đưa Đông Nam Á xếp thứ 3 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Đính giá các starup kỳ lân ở Đông Nam Á. Nguồn: Bain & Company Analysis, 2018

Theo ông Ardi Wirdana của DealStreetAsia, các kỳ lân Đông Nam Á - như Grab, Go-Jek và Traveloka - cũng chịu trách nhiệm cho gần 40 vụ sáp nhập và mua lại các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn trong khu vực. Grab và Go-Jek đang tìm cách trở thành nhà đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu, trong khi Tokopedia đang đàm phán để sáp nhập với nhiều công ty khởi nghiệp khác, trong đó có Sayurbox (một công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp sử dụng khái niệm nông trại).

Đối với một số doanh nghiệp mới thành lập, việc gia nhập một công ty trị giá 1 tỷ USD trong khu vực là một triển vọng thú vị. Ông Agung Nugroho, đồng sáng lập Kudo (một công ty khởi nghiệp công nghệ), công ty được Grab mua lại vào năm 2017, nói rằng việc gia nhập Grab giống như một giấc mơ ở Thung lũng Silicon.

Sự đa dạng của các công ty khởi nghiệp được cho là rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, được thể hiện qua mức đầu tư kỷ lục từ các nhà đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Trong năm 2017, số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm được ghi nhận đã tăng lên 524, gấp  4 lần số lượng giao dịch trong năm 2012. Theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để xuất hiện thêm nhiều kỳ lân hơn nữa trong tương lai.

Thế hệ các startup kỳ lân hiện tại ở khu vực đang giúp hình thành một điểm nhấn trong việc tạo ra giá trị ấn tượng ở Đông Nam Á. Cùng với các sáng kiến ​​của chính phủ và dân số ngày càng tăng, các công ty startup kỳ lân dự kiến ​​sẽ tăng lên trong ASEAN.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ASEAN Post)