Hẹn anh năm lần, bảy lượt ấy thế mà chỉ gặp được anh có mấy phút trong một quán nhậu bình dân trên đường Hùng Vương, Huế. Mới ngồi có mấy phút mà anh phải mấy lần sờ “dế”. Khách hàng đó anh. Họ đợi ngoài nhà rồi. Kẻ hỏi đĩa phim, người đặt hợp đồng quay phim... và cả mấy ông bạn nhậu kêu “rửa” phim đẹp. Cứ như là có giải “ốt ca” vậy.
Xuất thân từ một thợ sửa chữa điện tử, một hôm có một người mang cái máy quay phim đến sửa chữa. Sửa xong, cũng là lúc có người bạn đang tìm người quay phim cho một đám cưới. Kẹt nỗi, cô dâu chú rể muốn như thiên hạ, bèn chơi sang, quay phim đám cưới nhưng hầu bao thì hơi bị xẹp. Tiện thể thử cái máy, anh thợ điện tử Nguyễn Văn Khiêm ừ đại, rồi vác máy đi quay.
Khoảnh khắc hạnh phúc cho lứa đôi.
Cách đây những hơn hai chục năm, nhìn mấy ổng có cái ca mè ra kè kè trên vai là oách như xôi gấc. Đám cưới thì không chỉ có cô dâu chú rể ăn mặc đẹp, mà tất cả đều đẹp. Đám nam thanh, nữ tú trong đám cưới càng lộng lẫy hơn. Âu đó cũng chính là cơ hội ngàn vàng cho quay phim thỏa sức tác nghiệp quên cả mâm cỗ. Quay xong chưa kịp dựng mà mọi người như muốn đè ra coi ngay. Cứ qua mỗi cảnh, mỗi lớp là tiếng cười vang như sấm. Nhất là mấy cái sai sót do chưa có nghiệp vụ, giờ nghĩ lại càng thấy cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, đúng là “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”... bắt đầu từ đó tôi mê quay phim tự bao giờ cũng không còn nhớ nữa, anh Khiêm tâm sự, rồi tiếp: cũng từ đó tôi bắt đầu chú ý khi xem ti vi, xem các nhà quay phim truyền hình họ lấy góc hình như thế nào, ánh sáng lúc nào là thích hợp, tôi lân la làm quen với các phóng viên truyền hình, nhờ họ chỉ dẫn dần. Cũng may sau đó tôi đã theo học một khóa đào tạo quay phim do Trường Nghệ thuật Sân khấu điện ảnh Việt Nam từ Hà Nội vào Huế truyền thụ.
Cả nhà dựng phim.
Anh thấy quay phim đám cưới có khó không, tôi hỏi.
- Nói khó thì việc gì cũng khó, mà dễ thì việc gì cũng dễ. Miễn là mình có yêu nghề mình không cái đã. Anh biết thủ tục đám cưới ở Huế cũng phức tạp lắm. Muốn quay phim đám cưới tốt bắt buộc phải thông thạo tục lệ cưới hỏi để theo đó mà xử lý cho kịp. Điều rắc rối nhất là ở Huế, vùng lân cận Huế ấy vậy mà vẫn có những tục lệ khác nhau. Ví như lễ đưa dâu khác với lễ rước dâu. Tục này mỗi làng cũng mỗi khác. Có nơi là một, có nơi là hai lễ riêng biệt. Quay phim mà không hiểu điều đó là bị lỡ cảnh quay liền, không ai dựng lại đám cưới cho mình quay lại đâu.
- Có lúc nào anh bị tai nạn nghề nghiệp chưa?
- Úi cha... cũng không ít, nhất là thời kỳ quay phim bằng băng từ VHF. Mua phải băng xấu, khi mở băng xem lại... tóa hỏa luôn. Hình đâu mà cứ toàn mất nửa cái đầu. Quay cho Việt kiều nữa chơ. Đêm ấy tôi thức trắng mà không tài nào tìm cách để ăn nói với khách hàng được. Cũng may người ta biết và thông cảm. Quay phim đám cưới mệt lắm nhưng cũng vui. Vui nhất là quay ngoại cảnh. Bình thường thì cô dâu, chú rể tự nhiên lắm, nhưng khi vào cảnh, hô bấm máy thì chú rể bỗng dưng chân đi… cà vệt. Có cô dâu chú rể quá trẻ, sau mỗi cảnh quay lại lôi cóc, ổi, xoài, muối ớt ra ăn tự nhiên. Thấy vậy, tôi cũng bấm máy. Cảnh này đâu có trong kịch bản. Nhưng nó lại hay và đẹp nữa vì sự hồn nhiên như thật trong cuộc sống của nó vậy. Xem đoạn này ai cũng ưng, kể cả cô dâu chú rể xin “đừng cắt đoạn này đi chú nhé”.
Tâm Hành