Người dân ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) xem hình ảnh lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở Bàn Môn Điếm ngày 30-6 - Ảnh: Reuters
Trên Đài CNN của Mỹ, nhà phân tích James Griffiths cho rằng đây là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay từ đầu tháng 3 vừa qua. Thậm chí đã có những động thái, phát ngôn khiến người ta tưởng hai bên không còn muốn nhìn mặt nhau.
Nhưng cuộc gặp chớp nhoáng ngày 30/6, theo ông Griffiths, đã giúp đưa mối quan hệ này trở lại đúng hướng một cách vững chắc, nếu phân tích theo cách hai nhà lãnh đạo chào đón nhau nồng ấm. Thậm chí nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un chấp nhận lời mời của ông Trump tới Nhà Trắng, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.
Giáo sư Kim Yong Hyun của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cũng nhận định các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận ở các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong 2 - 3 tuần tới (theo tuyên bố của Tổng thống Trump), nhưng rõ ràng nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định cam kết của lãnh đạo Mỹ - Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim Yong Hyun, một khi tiến trình phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Trong khi đó, giáo sư Lim Eul Chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) đánh giá dù cuộc gặp thượng đỉnh tại DMZ có thể ngắn, song nó chắc chắn đã tạo ra một thời điểm bước ngoặt quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, cuộc gặp trên đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng, khởi đầu sự thay đổi trong quan hệ liên Triều. Đương nhiên cơ hội để dẫn đến sự cải thiện quan hệ lớn trong thời gian ngắn là không cao.
Theo Tuoitre