Hồi ấy tỉnh dài, huyện rộng, xã to. Đi công tác huyện Tuyên Hóa nhanh nhất là tàu chợ mất một ngày mới tới nơi. Từ Huế lên A Lưới phải vòng ra Đông Hà, ngược lên Đak Rông, quành vào theo đường Hồ Chí Minh cũng mất đúng một ngày xe. Huyện thì hai hoặc ba nhập vào một “pháo đài” (có thời gọi là pháo đài quân sự huyện). Phú Vang, Hương Thủy thành Hương Phú. Nhất Đồng Nai nhì hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh thành Lệ Ninh. Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền thành huyện Hương Điền. Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị bây giờ hồi ấy là huyện Triệu Hải. Rộng nhất và phức tạp nhất là huyện Bến Hải, gồm Vĩnh Linh một thời là đơn vị hành chính cấp tỉnh, địa đầu giới tuyến Bắc – Nam. Bên kia sông là huyện Gio Linh. Ngược lên hai bên QL09 là huyện Cam Lộ. Từ thị trấn Hồ Xá lên Cùa bây giờ đi ô tô hơn một giờ đồng hồ, hồi trước đạp xe đạp cả ngày mới thấu.

Bình Trị Thiên về một nhà vào thời điểm khó khăn dồn dập. 

Báo Quảng Trị tổ chức gặp mặt hai cựu tổng biên tập gặp mặt ôn lại truyền thống trong đó có ông Trần Trọng Tốn. Ảnh Thành Dũng

Bước vào thời kỳ đổi mới được khoảng ba năm, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách, tái lập ba tỉnh theo địa giới hành chính cũ (có từ thời nhà Nguyễn, triều vua Minh Mạng). Từ ngày 1/4/1989 ở mỗi cơ quan, ban ngành cấp tỉnh đều đã có ba người có chức danh Triệu tập viên (TTV), làm nhiệm vụ tổ chức nhân sự để chuẩn bị chia một thành ba.

Ở Báo Bình Trị Thiên, anh Phạm Xuân Thích, Tổng Biên tập, đến tuổi nghỉ hưu nên Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các anh: Đoàn Ngọc Phú, P. Tổng Biên tập,  TTV Báo Thừa Thiên Huế; anh Trần Trọng Tốn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo, TTV Báo Quảng Trị; anh Đỗ Quý Doãn, Thư ký Tòa soạn, TTV Báo Quảng Bình.

Tỉnh dài, huyện rộng, xã to, báo ra tuần 3 kỳ nhưng cán bộ phóng viên thời điểm nhiều nhất cũng chưa đủ 40 người. Như Báo Thừa Thiên Huế, ngày đầu chia ra tuy đông quân nhất nhưng chỉ có 14 người, trong năm 1989 bổ sung mãi cũng không đủ 20.

Cơ sở vật chất của Báo Bình Trị Thiên lúc ấy chẳng có gì đáng giá. Có chiếc xe Uzoat đã cũ kỹ dành cho Báo Quảng Trị. Ba chiếc máy đánh chữ chia ba. Tủ, bàn làm việc sắp xếp lại chỉ đủ cho ba phòng tòa soạn ba báo. Quảng Bình, Quảng Trị chưa có cơ sở in nên bộ phận tòa soạn tiếp tục làm việc ở Huế khoảng hơn tháng sau mới chuyển ra. Anh em phóng viên ngồi ở nhà viết bài. Kinh phí thì cơ quan chủ quản cấp nhỏ giọt, vừa đủ trả lương và chi phí văn phòng, tiền in báo thì ghi nợ, thanh toán sau, nhuận bút sau một tháng mới có.

Gian khó như thế nhưng đó là thời kỳ báo chí lý tưởng, nhà báo dấn thân. Khi viết bài chỉ quan tâm đến hiệu quả xã hội; không mấy ai quan tâm đến nhuận bút nhiều hay ít, trả nhanh hay trả chậm.

Năm 2007, những người làm báo Bình Trị Thiên có cuộc hội ngộ lần đầu tiên tại Huế, và thống nhất chủ trương tổ chức gặp mặt truyền thống hàng năm. Năm 2008, anh em ở Quảng Trị đứng ra tổ chức. Rồi Quảng Bình năm 2009. Cho tới nay, tại Huế đã tổ chức được ba cuộc. Quảng Trị vừa tổ chức cuộc thứ ba. Năm sau sẽ hội ngộ tại Quảng Bình lần thứ hai. Mỗi lần gặp mặt, những kỷ niệm xưa vẫn tươi nguyên. Những năm tháng sôi động khi báo chí Việt Nam khởi sắc, hòa nhịp cùng thời kỳ đất nước đổi mới.

Báo Bình Trị Thiên lúc đó là tờ báo địa phương được đánh giá mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống quan liêu, trì trệ, tham nhũng.

Nhà báo Phạm Xuân Thích là một Tổng Biên tập dũng cảm, mạnh mẽ và quyết đoán, dám chịu trách nhiệm về mình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cây bút chống tiêu cực. Các nhà báo Đỗ Quý Doãn, Thanh Ba, Nguyễn Thế Thịnh đã có thương hiệu từ ngày ấy, và từ chính Báo Bình Trị Thiên. Khi ra Quảng Bình, từ Tổng biên tập báo, anh Đỗ Qúy Doãn được bổ sung vào Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn, rồi Vụ trưởng Bộ VHTT, Vụ trưởng Vụ Báo chí, rồi làm Thứ trưởng cho đến ngày nghỉ hưu.

Hôm 22-23/6 vừa rồi gặp lại nhau ở Quảng Trị mới nhớ ra trong số anh em làm Báo Bình Trị Thiên ngày ấy còn có một người hàm Thứ trưởng nữa. Đó là Đinh Như Hoan, Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân.

Cái quý nhất trong các cuộc gặp mặt truyền thống mà anh em chúng tôi nhận ra được là nguồn năng lượng tích lũy được trong thời gian ở Báo Bình Trị Thiên đã góp phần giúp chúng tôi hoàn thiện mình và phát huy tác dụng ở những đơn vị công tác tiếp theo.

Thanh Tùng