Cần tiêm phòng thú nuôi đạt 100%

Trong tháng 4/2019, CCTY tỉnh và các phường của TP. Huế đã tiến hành tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo tập trung đồng loạt. Sau đó hàng tháng triển khai tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo mới lớn lên, mới nuôi, chó mèo chưa được tiêm phòng dại, chó mèo tiêm phòng bệnh dại đã hết miễn dịch; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các chủ nuôi không chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo của mình theo quy định.

Theo một cán bộ thú y, hiện một mũi chích ngừa bệnh dại cho chó là 50.000 đồng. Trong đó, bao gồm 10.000 đồng tiền bảo hiểm nếu chó cắn người. Số tiền không lớn nhưng một số gia đình lại xua tay khi cán bộ thú y và tổ trưởng tổ dân phố đến vận động tiêm phòng bệnh dại cho chó. Bởi nhiều người dân cho rằng, chó đã được nuôi nhốt trong nhà, đã được xích, không thả rông ra ngoài đường.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng CCTY tỉnh thông tin: Đơn vị đã chủ động lên kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, quan trọng nhất là tiêm vắc xin dại trên tổng số đàn chó đạt tỷ lệ rất cao. Do làm tốt các công tác đẩy lùi và phòng chống tốt nên không xảy ra trường hợp người nào bị bệnh dại do chó mèo cắn trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ loại bệnh này.

Không chủ quan khi bị mèo cắn, cào

Sáng 26/6, chúng tôi chứng kiến tại cơ sở 2 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, có hai trường hợp đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bắt chuyện, chúng tôi mới biết cả hai trường hợp đều bị mèo cắn, cào nên đi tiêm phòng bệnh dại.

Trường hợp thứ nhất cư trú ở TP. Huế. Người đàn ông 31 tuổi này bị mèo nhà cắn và cào nhiều vết, chảy máu ở tay nên đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm phòng bệnh dại. Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định tiêm 5 mũi vắc xin phòng bệnh dại.

Trường hợp thứ hai cư trú tại huyện Quảng Điền. Người đàn ông ngoài 50 tuổi tâm sự: “Con mèo cào tôi là mèo con. Tôi bị cào ở đầu ngón tay khi bắt nó đi cho nhà hàng xóm. Ban đầu chủ quan nhưng sau khi lên mạng đọc báo thấy có trường hợp gần đây có một cháu bé ở tỉnh Tuyên Quang bị mèo cào phát bệnh dại chết nên tôi phải đi tiêm phòng ngay”.

Trường hợp người đàn ông này nhắc đến chính là bệnh nhi 11 tuổi ở tỉnh Tuyên Quang bị mèo hàng xóm cào vào lưng gây xây xát và chảy máu nhưng đã chủ quan không đi tiêm phòng nên sau 3 tháng đã phát bệnh dại. Khi người thân đưa vào bệnh viện thì bệnh nhi đã tử vong sau đó một ngày.

Tâm lý của người dân là thường xem nhẹ vết thương do mèo cắn, cào so với vết thương do chó cắn, cào gây nên. Trên thực tế, răng nanh của mèo nhọn hơn răng nanh chó nên vết cắn thường sâu hơn khiến nước bọt của mèo nếu mang mầm bệnh dại sẽ ngấm sâu vào máu. Mèo thường có thói quen liếm móng chân nên nước bọt của chúng nếu chứa mầm bệnh dại dễ dàng theo vết thương vào máu.

Theo các bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, vết cắn, cào của chó và mèo đều có nguy cơ về bệnh dại. Người bị chó mèo cắn, cào cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất của trung tâm để được khám và tiêm phòng bệnh dại.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 16 người tử vong vì bệnh dại và 170.765 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Nguyễn Văn Toàn