Tham quan tư liệu về Thái Y Viện trong hệ thống Châu bản. Ảnh: THU THỦY

Tiềm năng của Huế

Dự án này đang được triển khai tại số 57 Đặng Dung, TP. Huế - Khu nhà đất rộng hơn 4.000m2. Công ty cổ phần Đại Nam Thái Y Viện trúng thầu thực hiện dự án. Khu đất này vốn là Khách sạn Thành Nội. Với dự án Thái Y Viện, khu đất sẽ được cải tạo thành một khu trị liệu mang phong cách cung đình, với sức chứa của tổ hợp trị liệu dự kiến khoảng 200 - 250 lượt khách/ngày, theo đúng quy trình trị liệu về sức khỏe. Đây cũng là một trong ba dự án phát triển dịch vụ dựa trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế vừa được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm 2019.

Với người dân Cố đô Huế, Thái Y Viện không phải là cụm từ xa lạ. Dưới triều Nguyễn, Thái Y Viện là cơ quan chăm sóc sức khỏe của hoàng gia, quan lại trong triều, cả sức khỏe của quân lính và dân chúng. Thái Y Viện triều Nguyễn luôn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực y dược. Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Festival Huế về, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại dành không gian tổ chức giới thiệu về Thái Y Viện trong khối di sản văn hóa Huế và những bài thuốc quý, danh tiếng của Thái Y Viện triều Nguyễn còn được lưu truyền.

Hiện vật thẻ bài của nhân viên Thái Y Viện được trưng bày, giới thiệu trong Đại Nội. Ảnh: TT

Đại Nam Thái Y Viện hợp tác với những danh y chân truyền của các thái y xưa, để phục dựng lại những bài thuốc cung đình và các phương pháp trị liệu được đặc chế cho Hoàng tộc. Không gian Thái Y Viện sẽ kế thừa, bảo tồn và phát triển y học cổ truyền gắn với thương hiệu Thái Y Viện, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hướng đến mục tiêu đưa Cố đô Huế trở thành điểm du lịch hàng đầu về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh của khu vực miền Trung và của cả nước.

Nòng cốt thực hiện việc chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh này là các thầy thuốc có trình độ cao của Hội Đông y Huế. Họ sẽ ứng dụng những bài thuốc truyền thống của Thái Y Viện để thăm khám và chữa bệnh cho khách. Bên cạnh đó, ở những không gian khác, du khách có thể tham quan những vật dụng, đơn thuốc được sử dụng trong Thái Y Viện xưa, trải nghiệm thiền trị liệu và thưởng thức những món ăn, thức uống bồi dưỡng sức khỏe…

Khách sạn Thành Nội sẽ là không gian của Thái Y Viện Ảnh: ĐỨC QUANG

“Mỏ quặng” của nhà đầu tư

Đó là cách mà anh Trần Ngọc Linh, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đại Nam Thái Y Viện, ví von khi nói về dự án Thái Y Viện. Cá nhân Trần Ngọc Linh đã có gần 13 năm gắn bó với Huế từ những kỳ festival, khi làm các tác phẩm: “Hơi thở của nước, Bếp Việt trong vườn Huế” và có nhiều dịp được phối hợp với các nghệ nhân, như: cô Thanh Tâm, cô Minh Mẫn, cô Thanh Hương, cụ Trần Kích, cụ Lữ Hữu Thi… Nhờ đó, anh rất “thấm” giá trị của những di sản văn hóa mà Cố đô Huế có được.

“Phục hồi lại Thái Y Viện triều Nguyễn là một dự án có nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng chính vì những thách thức ấy mà chúng tôi càng quyết tâm làm, vì đó là một mỏ quặng mà chưa ai khai thác. Có thể nói, việc thực hiện dự án là hành trình tầm sư học đạo, lâu dài và gian nan. Nhưng chúng tôi có niềm tin với những con người đang xây dựng và vận hành dự án, rằng họ đều cảm nhận được sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong công việc sắp tới”, anh Trần Ngọc Linh tự tin.

Về tiến độ, anh Trần Ngọc Linh cho biết còn quá sớm để nói về lộ trình xây dựng dự án phục hồi tinh hoa Thái Y Viện triều Nguyễn. Nhưng anh nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ biết tập trung hết tâm lực, tài lực và trí lực cho việc này. Một vài tháng tới, các bạn sẽ biết những kết quả đầu tiên. Trước đây, những sản phẩm của Đại Nam Thái Y Viện cũng đã từng được giới thiệu. Nhưng chỉ một tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ có sản phẩm mang thương hiệu Huế đi khắp mọi miền đất nước”.

ĐỒNG VĂN