Bộ Công thương dự báo năm sau, nước ta có thể thiếu điện. Ảnh: THANH HƯƠNG

Cảnh báo này gợi lên suy nghĩ - phát triển kinh tế cùng với nhu cầu sự dụng điện tăng cao của người dân đã tạo ra một cuộc chạy đua mới giữa nguồn điện năng hạn hữu và nhu cầu sử dụng – một cuộc chạy đua không biết mệt mỏi.

Biết làm sao được. Chuyện phát triển kinh tế đòi hỏi một lượng điện cung ứng lớn và ngày càng tăng là điều hiển nhiên. Điều này dường như không cưỡng lại được. Mọi chính phủ phải tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu này. Thế còn nhu cầu của con người?

Có vẻ như chính chúng ta, ở một góc nhìn nào đó, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu đã làm cho chúng ta ngày càng cột chặt vào những điều kiện sinh sống “phi thiên nhiên”. Tức là sống trong môi trường nhân tạo. Những hàng cây lưu niên ở nhiều thành phố buộc phải đốn hạ để mở đường, giải quyết cho vấn đề lưu thông. Để tránh được cái nắng nóng rát da rát thịt mùa hè, ai cũng bịt bùng khăn, áo choàng. Ai có điều kiện khá hơn thì đi ô tô. Đường phố trở nên chật chội, nóng bức. Môi trường sống trở nên ngột ngạt. Không ai khác, chính khát vọng vươn lên của con người đã làm cho cuộc sống chúng ta ngày càng đối diện với nhiều thách thức; những rình rập bất trắc khôn lường?

Trước đây ở nhiều vùng đất, một năm có bốn mùa rõ rệt. Nay thì điều này kiếm ra rất hiếm. Nắng thì nắng cháy da, mưa thì mưa rát mặt. Con người đã góp một phần quan trọng tác động tạo ra những thay đổi này. Những thay đổi, xem ra có nhiều bất lợi đối với con người. Hiểu theo cách nào cũng được, chúng ta muốn phát triển, hưởng thụ những thành quả mới do con người tạo ra. Rồi chúng ta tìm nhiều biện pháp chống chế do sự bất lợi của những thành quả ấy. Nó như một cuộc đuổi bắt vô tận mà kết quả là ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Ở đây không phải chỉ một địa phương mà là quy mô toàn cầu.

Môi trường sống nhiều cây xanh góp phần hạn chế biến đổi khí hậu

Đã có rất nhiều nước thay đổi nhận thức về ứng xử với thiên nhiên một cách tốt đẹp hơn. Mà đó, thường là các nước phát triển, đặc biệt là phương Tây. Có lẽ họ đã trải qua một thời kỳ mà các nước kém hoặc đang phát triển trải qua - đánh đổi môi trường để phát triển. Từ đó nó mới sinh ra những khái niệm mới – công xưởng của thế giới. Ngược lại, nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới sau một thời gian dài mong muốn phát triển du lịch thì nay họ đã thấy quá đủ, giờ là lúc tìm biện pháp để hạn chế du khách. Quả là cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Nó cũng giống như nhu cầu của du khách phương Tây bây giờ, cái họ thích là du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa. Những nơi thiên nhiên càng hoang sơ, không khí càng trong lành, cuộc sống càng yên tĩnh… họ lại càng thích.

Có lẽ, họ đã khác với chúng ta rất nhiều.

Điều may mắn của Huế, hay nói chính xác hơn là cách chúng ta lựa chọn để phát triển – phát triển một thành phố sinh thái. Chúng ta đã xác định và chúng ta đang theo đuổi. Và chúng ta đã gặt hái được nhiều thành quả. Sự tiếp tục theo đuổi xu hướng này, hy vọng đến một lúc nào đó chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt cơ bản so với nhiều đô thị khác. Huế không là công xưởng mà là một vùng đất xanh, hiền hòa, bình yên.

Cách đây cả hàng chục năm, chúng ta đã nghe nói nhiều về biến đổi khí hậu. Những cụm từ như hội nghị COP (hội nghị bàn về công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu), các hội nghị liên quan như Nghị định thư Kyoto với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính... đã được nhắc đến. Khi đó, những người bình thường như chúng ta, trước đây khi nghe những cụm từ nói trên có vẻ như là những vấn đề mơ hồ nhưng nay, thì chắc khác rồi...

THANH LÊ