Sử dụng điện để đánh bắt thủy sản bị phạt tiền mức nhẹ nhất 3 triệu đồng, nặng nhất 50 triệu đồng

Việc đánh bắt cá bằng xung điện từ lâu đã bị nghiêm cấm vì khai thác mang tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh, kể cả toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bất chấp quy định cấm này, tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương thức mang tính hủy diệt, trong đó có sử dụng điện vẫn diễn ra.

Để ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, tái tạo, dưỡng sức đàn cá bố mẹ, nhiều địa phương áp dụng phương diện kỹ thuật như mùa cấm, vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn.

Ngay ở địa bàn Thừa Thiên Huế, ngoài vai trò quản lý tài nguyên thủy sản của cơ quan Nhà nước, khoảng năm 2003, Hội Nghề cá tỉnh ra đời và sau đó là các chi hội nghề cá ở các địa phương được thành lập tập hợp lực lượng cộng đồng ngư dân trong việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt; đồng thời, quan tâm đến bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ và đầm phá.

Cơ chế cấp "quyền khai thác thủy sản" cho chi hội nghề cá đã tạo nên tính làm chủ, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phòng chống đánh bắt thủy sản hủy diệt.

Đã có nhiều phương pháp, biện pháp nhằm phát triển thủy sản bền vững, phục vụ sinh kế lâu dài cho ngư dân, song nạn khai thác bất hợp pháp, sử dụng phương tiện, dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt vẫn diễn biến phức tạp ở vùng đầm phá, bờ biển. Việc ban hành quy định xử phạt bằng tiền, tịch thu vật dụng khai thác trái phép và yêu cầu phục hồi là giải pháp vừa mang tính nhắc nhở, vừa răn đe những hành vi bất chấp, cố tình vi phạm.

Từ ngày 5/7, Nghị định 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực. Liên quan đến vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản, tại Điều 28 Nghị định 42 đã đưa ra những mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm. Trong đó, mức phạt tiền thấp nhất từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; từ 20 - 30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; từ 30 - 40 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

Đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phải chịu mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, những trường hợp vi phạm còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3- 6 tháng đối với sử dụng điện trên tàu cá để khai thác.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên