Số là theo lệ, người Huế năm nào cũng cúng 23/5 tưởng niệm sự biến “Thất thủ kinh đô”. Ngoài cúng tại gia đình thì rất nhiều xóm cũng họp nhau để cúng chung trong xóm. “Trước cúng, sau cấp”, cỗ bàn sau khi cúng xong hạ xuống, cả xóm quây quần “hầu tàn”. Đây là lễ cúng thấm đẫm tính nhân văn của người dân xứ Huế nhằm tưởng niệm, ghi nhớ quan quân, chiến sĩ trận vong, Nhân dân tử nạn trong biến cố “Thất thủ kinh đô”- sự kiện lịch sử xảy ra đêm mùng 4 rạng mùng 5/7/1885 (22 rạng 23/5 âm lịch), quân triều đình dưới sự chỉ huy của phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đã nổ súng đánh úp quân Pháp ở Tòa Khâm sứ, Trấn Bình Đài rồi bị phản công. Mưu sự bất thành, phe chủ chiến phò vua Hàm Nghi xuất bôn xuống chiếu Cần Vương. Trong sự biến này, người ta tính có đến hơn 1.500 quân và dân của triều đình Huế đã bị giặc Pháp tàn sát trong “một cuộc giết chóc chưa từng có”. Từ đó, người Huế có tục cúng 23/5 như đã kể.
Trở lại cái chuyện “hầu tàn” của xóm, khi đời sống khấm khá thêm đôi chút thì không thể thiếu cái món bia rượu. Rồi gần đây, rộ phong trào karaoke di động, vậy là không ít xóm gia thêm cái giàn để giao lưu cho vui xóm. Vào ngày 23/5, xóm này cúng, xóm kia cúng; xóm này hát, xóm kia hát. Trời thì nắng chang chang như đổ lửa, gió nam, gió Lào khô khốc, cuốn bụi tít mù. Thế nhưng rượu vào lời ra, những anh, những chú, những chị… cứ bám trụ với cái bàn “hầu tàn”, nâng ly, uống - hát om sòm khắp các xóm. Trẻ nhỏ, người già vật vã giấc trưa giữa ngột ngạt thanh âm và ngày hè nắng rát.
Thất thủ kinh đô, tên rơi đạn lạc, người chết nhà cháy, cúng kiếng là để tưởng niệm sự kiện bi hùng của dân tộc, để nguyện cầu cho các vong linh được nhẹ nhàng siêu thoát chứ đâu phải dịp để vui vẻ hát hò? Om sòm vô lối - Người lớn tuổi phàn nàn ngẫm ra cũng chí phải.
HÀN YÊN