Người tiêu dùng thích mua sắm quần áo tại Big C do hàng hóa giá rẻ, đa dạng và sản xuất trong nước. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Việc ngừng đặt hàng tạm thời được Tập đoàn Central Group lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn này tại Thái Lan. Những nhà sản xuất may mặc đã có hợp đồng cung ứng cho Big C thực sự hoang mang, bởi một ngày Big C không nhận hàng là một ngày công nhân mất việc.

Mối lo của các nhà cung ứng nhỏ

Thông báo của Big C về việc dừng nhập hàng may mặc của Việt Nam, chỉ áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. Big C không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong số 200 doanh nghiệp mà Big C dừng nhập hàng may mặc, số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội không nhiều và hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vấn đề đang được đặt ra là nếu doanh nghiệp bị ngừng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại như thế nào? Các chuyên gia trong ngành đã phân tích, các nhà sản xuất hàng may mặc với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khi ký được hợp đồng sản xuất cho bất cứ một nhà phân phối nào đó, họ sẽ phải tính toán chi ly cho từng tháng sản xuất, để làm sao có thể tránh hàng tồn, đủ lương cho công nhân, đủ khấu hao máy móc và có chút lãi để tái đầu tư. Nghề may mặc lấy công làm lãi, tỷ suất lợi nhuận rất thấp trên mỗi sản phẩm, do đó, đơn hàng càng nhỏ, rủi ro càng to.

Nhiều khi doanh nghiệp đón đầu, sản xuất trước sản phẩm trong điều kiện nhà phân phối vẫn thực hiện hợp đồng nhập hàng, nhưng trong trường hợp bên phân phối dừng đột ngột không lấy hàng, thì bỗng dưng, hàng tồn trong kho của nhà cung ứng quá lớn và họ thực sự đứng trước khủng hoảng.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sự việc trên diễn ra đã hai, ba ngày nhưng về phía Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ các doanh nghiệp. Với vai trò từ phía Hiệp hội ông Giang đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi toàn cầu. Dựa theo các hiệp định thương mại mà các nước đã ký kết, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi sử dụng, nhãn mác, thương hiệu... Đặc biêt, tránh trường hợp sản phẩm sản xuất nước khác gắn mác "Made in Vietnam". Việc này liên quan đến luật, luật bảo vệ trí tuệ hàng hóa mà Việt Nam đã ký kết, ngược lại Việt Nam cũng có Luật bảo vệ trí tuệ hàng hóa riêng.

Ảnh hưởng nhất định tới việc làm người lao động

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các doanh nghiệp may mặc trực thuộc Vinatex có hợp đồng thương mại với những nhà phân phối lớn trên thế giới như Walmart, đó là những hợp đồng theo mùa. Trong các hợp đồng thương mại này, hai bên đều phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt mà bên kia đưa ra.

Cụ thể, đối với nhà sản xuất thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chế độ lương cho người lao động, giờ làm việc, môi trường làm việc… Còn về phía nhà phân phối thì phải đáp ứng tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, đó là cam kết đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Với các doanh nghiệp may mặc, có đặc thù là số lượng người lao động lớn, thì ứng xử ở đây là sự cam kết đảm bảo việc làm ổn định cho lực lượng lao động này.

Trong trường hợp của Big C, với quyết định ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, cần căn cứ vào điều khoản trong hợp đồng thương mại giữa nhà cung ứng và nhà phân phối, nhưng xét về khía cạnh trách nhiệm xã hội, ứng xử của Big C là có ảnh hưởng nhất định tới việc làm của một bộ phận người lao động may mặc của các nhà cung ứng.

Cần xem lại cam kết giữa hai bên

Về sự việc này, chủ tịch một hãng luật tại Hà Nội cho biết, nhà phân phối hay siêu thị có quyền nhập hàng từ các nhà cung cấp Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài. Hiện nay, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng đánh giá nhu cầu kinh tế của việc mở siêu thị đối với nhà đầu tư nước ngoài trong giải quyết việc làm của người lao động chứ không có quy định siêu thị phải mua hàng của nhà cung cấp Việt Nam. Vì vậy, siêu thị, nhà phân phối có quyền nhập hàng hoặc không nhập hàng của các nhà cung cấp Việt Nam.

Theo vị luật sự này, cũng cần xem lại là Big C có cam kết nhập hàng của nhà cung cấp Việt Nam hay không. Nếu có cam kết thì Big C phải tuân thủ, về khía cạnh luật thì hiện nay chưa có quy định như vậy. Vì vậy, không có chế tài để xử phạt.

“Theo tôi khi xét duyệt các hồ sơ về hệ thống bán lẻ; trong đó có siêu thị, cơ quan chức năng có thể yêu cầu nhà đầu tư cam kết về việc hỗ trợ nhà sản xuất địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể ra thông tư quy định đối với siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài nhập hàng của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ nhất định. Nếu làm được như vậy sẽ có hành lang pháp lý để có thể xử lý những vụ việc như vừa qua”, vị luật sư nói.

Đối với doanh nghiệp khi phân phối hàng hóa vào hệ thống siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài, vị luật sư khuyến cáo, doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định của siêu thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao tiêu chuẩn về môi trường, về lao động để đáp ứng yêu cầu của siêu thị.

Việc siêu thị từ chối hàng hóa của nhà cung cấp có thể là có lý do kinh tế, hoặc có lý do về kỹ thuật. Ví dụ hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn, giá quá cao so với mặt bằng, hoặc lý do cụ thể Big C ngừng nhập hàng của nhà cung cấp Việt Nam là muốn phân phối các mặt hàng cao cấp, không phải mặt hàng bình dân nữa. Vì vậy, mấu chốt là doanh nghiệp cần có bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm và phải đề phòng các rủi ro; trong đó, có rủi ro về nhà phân phối.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, vấn đề trong vụ việc này là phương thức, triết lý kinh doanh. Nếu siêu thị bán hàng của nhà phân phối Việt Nam có lợi nhiều thì họ sẽ vẫn nhập hàng, ngược lại thay thế sản phẩm của nhà phân phối Việt Nam bằng các sản phẩm khác có lợi hơn thì nhà phân phối sẽ phải đưa ra lựa chọn.

“Người tiêu dùng cảm thấy hợp lý thì ủng hộ, không hợp lý thì có thể tẩy chay. Kinh tế thị trường thì phải sòng phẳng với nhau”, vị luật sư nêu quan điểm.

Không chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ mà trong sản xuất cũng như dịch vụ, nếu doanh nghiệp không cạnh tranh được thì khó tồn tại. Doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải vươn lên cạnh tranh, để nhà phân phối thích bán hàng Việt, thậm chí hàng hóa của nhà sản xuất Việt còn phải hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là cốt lõi của vấn đề. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng cảm nhận, yêu thích và chấp nhận.

Theo TTXVN