Dự án Cảng cá Thuận An là một trong những dự án cấp thiết cần tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành nhưng chưa cân đối được nguồn lực. Ảnh: baotainguyenmoitruong

Thu ngân sách đạt trên 50% dự toán

Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, gây các đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài; dịch tả lợn châu Phi bùng phát... ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH những tháng đầu năm, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6,87%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (5,92%) và tăng khá so với các tỉnh miền Trung. Thu ngân sách đạt trên 50% dự toán.

Các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” góp phần quảng bá, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh; phát động phong trào Ngày Chủ nhật xanh,... được Nhân dân toàn tỉnh đồng thuận, đánh giá cao.

Khách du lịch trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Phan Thành

Chưa có năng lực mới tăng thêm

Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh duy trì tốc độ tăng 9,45% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ năng lực tăng thêm của sản phẩm công nghiệp chủ lực hiện có như: Men frit (tăng 50,73%), bia (tăng 8,59%), lon nhôm (tăng 44,7%)... Tuy vậy, thị trường tiêu thụ xi măng có dấu hiệu giảm; nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến thủy sản, sản xuất điện thiếu ổn định... Theo giám sát của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, vẫn chưa có năng lực mới tăng thêm đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, và đây sẽ là thách thức lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành chỉ tiêu của ngành năm 2019. UBND tỉnh cần phân tích, làm rõ hơn tình hình triển khai các dự án sản xuất đã được cấp phép dự kiến đưa vào hoạt động trong những tháng cuối năm, những khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thời gian qua.

Một vấn đề có vai trò quyết định đến tăng trưởng nền kinh tế là khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng. Thương mại điện tử hiện đang phát triển rất mạnh ở trong nước. Tại tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, song việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử nhìn chung còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hàng hóa (QR code) chưa được doanh nghiệp, người sản xuất chú trọng; cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh hoạt động này.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, tổng lượt khách quốc tế lưu trú duy trì và có mức tăng đáng kể. Tuy vậy, thời gian lưu trú ngắn do thiếu các sản phẩm, dịch vụ bổ sung hấp dẫn để giữ chân du khách. Mặt khác, cách tính tổng lượt khách du lịch đến tỉnh hiện nay vẫn chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng và các địa phương. UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát, thống nhất cách tính, làm cơ sở cho công tác dự báo, xây dựng chỉ tiêu nhằm đề ra các giải pháp phù hợp.

8 dự án chưa khởi công

Qua thẩm tra, Ban Kinh tế- Ngân sách nhận thấy, còn 8/56 dự án khởi công mới trong kế hoạch năm 2019 đã được bố trí vốn nhưng đang vướng mắc chưa thể khởi công; nhiều dự án chuyển tiếp được bố trí đủ vốn nhưng vẫn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan liên quan trong việc chậm triển khai dự án. Ngoài ra, còn nhiều dự án cấp thiết cần tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành nhưng chưa cân đối được nguồn lực như dự án Cảng cá Thuận An, cầu Lợi Nông...

Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về rà soát thu hồi các dự án chậm tiến độ được triển khai quyết liệt, trong đó đã thu hồi 11/24 dự án, tiếp tục theo dõi, giám sát các dự án khác trong danh mục dự án giám sát đặc biệt. Tuy vậy, vẫn còn một số dự án ngay trung tâm TP. Huế vẫn chưa triển khai theo cam kết như Công trình toà nhà VNPT, trung tâm thương mại Nguyễn Kim...

Từ thực tế đó, UBND tỉnh cần báo cáo rõ hơn về tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ nằm trong danh mục thu hồi đất và hướng xử lý trong thời gian tới. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cả trước và sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động ngay trong năm 2019; cân đối nguồn lực giải phóng mặt bằng một vài khu vực, tạo quỹ đất sạch để chủ động kêu gọi nhà đầu tư.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, song chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 giảm 1 bậc so với năm 2017, trong đó đáng chú ý là các chỉ số thành phần giảm sâu như: chi phí thời gian, chỉ số tính năng động, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số cạnh tranh bình đẳng...

Thái Bình