Bác sĩ Hồ Thư thăm, hỏi bệnh nhân tại BV Nam Đông

Bỏ phố lên núi

Câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc một cởi mở hơn khi ông trải lòng về con đường y nghiệp của mình. Là một cán bộ "đinh" ở Phòng Y tế TP. Huế vào những năm đầu thập niên 80, ông có nhiều cơ hội để tiến thân. Thế nhưng, ông quyết định xa vợ con lên ở vùng cao Nam Đông, gắn bó sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số nghèo đúng dịp địa phương này vừa tách khỏi huyện Phú Lộc năm 1991. Ngày đầu lên đất Nam Đông, nhiều đồng nghiệp bảo ông "khùng", rời thành phố lên vùng "rừng thiêng nước độc".

Thời điểm này Nam Đông bùng phát dịch sốt rét và bà con dân tộc nơi đây còn sống chung với các hủ tục lạc hậu. Thế là ông được lãnh đạo giao phụ trách lĩnh vực phòng dịch - công việc luôn sát cánh cùng bà con bản làng. Không có tuần nào ông vắng mặt ở cơ sở để tuyên truyền vận động bà con sinh hoạt, ăn uống vệ sinh để phòng ngừa sốt rét. Trong xã hễ có trường hợp mắc sốt rét là vận động người thân đưa đến cơ sở y tế điều trị rồi khoanh vùng xử lý dập dịch.

Khó khăn hơn hồi ấy điện chiếu sáng ở Nam Đông chưa có, đường sá lại cách trở. Từ xã vào các bản, làng chỉ các lối mòn đất đá lởm chởm đi mất nửa ngày đường. Dân ở bản nhìn cán bộ y tế với ánh mắt xa lạ nên nói để bà con nghe, làm theo không hề đơn giản. Vì thế, không ít trường hợp mắc sốt rét chết oan khiến ông luôn ray rứt...

Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc TTYT huyện Nam Đông. Ở vị trí lãnh đạo, ông càng trăn trở khi thấy sự thiếu thốn nhân lực, cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mỗi lần về hội họp ở tỉnh, ông đề xuất lãnh đạo ngành có cơ chế đặc thù cho Nam Đông, nhất việc tuyển dụng cán bộ bác sĩ; đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ KCB cho bà con.

Ông kể hồi đó, ngoài nạn dịch sốt rét, cán bộ ở BV huyện sợ nhất là tập tục sinh con tự nhiên tại nhà. Nhiều trường hợp đẻ bị các biến chứng rong huyết, thai ngược... khi chuyển đến BV huyện không còn cách cứu chữa. Có trường hợp sản phụ được BV Nam Đông cứu sống lúc nửa đêm đến giờ không thể phai trong tâm trí ông. Đó trường hợp sản phụ chuyển dạ ở xã Thượng Long chuyển ra viện với những cơn đau thắt dữ dội.

Nghe tiếng rên la tại phòng cấp cứu, ông bật dậy kiểm tra thấy phần đầu thai đã tím tái. Nguy cơ tử vong cho mẹ và con đến rất gần, nhưng từ trước đến thời điểm đó BV huyện chưa xử lý, cứu sống thai phụ như thế. Với thế bí, ngay trong đêm ông quyết định cho đồng nghiệp đốt lửa sưởi ấm và soi đèn tiến hành mổ bắt con. Ông nói, nếu lúc ấy xảy ra tình huống xấu, ông xin nhận trách nhiệm. Rất may, ca mổ thành công. Đó là ngày đặc biệt với ông và kíp mổ cùng vỡ òa trong hạnh phúc. Ca mổ đầu tiên đó cách nay đã hơn 25 năm.

Vì dân nghèo

Sự quyết đoán vì bệnh nhân vùng cao bất kể trong hoàn cảnh nào của ông trong những ngày đầu làm lãnh đạo đã lan truyền khắp huyện Nam Đông. Từ đó, cái tên "ông Thư" ở BV Nam Đông được bà con đồng bào biết đến. Hễ có bệnh là họ nghĩ đến ông Thư và y thuật của cán bộ y tế trung tâm để rồi tự bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Đáp lại lòng tin của bà con, một hành trình dài mà bác sĩ Thư chỉ đau đáu với nỗi niềm, làm sao cho bà con dân tộc vùng cao tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể. Với cương vị lãnh đạo, ông bám sát chủ trương ngành y, cùng các đồng nghiệp lo sự nghiệp y tế vùng núi ngày càng khởi sắc. Nổi bật, kể từ năm 2005-2010, ông chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo cán bộ trẻ nhiệt huyết để 100% trạm y tế (TYT) trên địa bàn có đủ chức danh, nhất là bác sĩ để làm tốt các tác KCB, phòng dịch cho người dân từ cơ sở. Thấy rõ tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng ở BV huyện khó khăn, bác sĩ Thư gửi đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ nội ngoại, sản, nhi... 2-3 trường hợp/năm.

Từ thời điểm BV chỉ có 35 cán bộ, y bác sĩ vào những năm đầu thập niên 90 nay đã tăng lên gấp 3, đảm bảo đủ ở các khoa phòng chuyên môn. Riêng cơ sở, trang thiết bị y tế, ông cũng dày tâm sức kết nối, kêu gọi các chương trình, dự án và ngân sách Nhà nước từ năm 2010 để đầu tư các khối nhà có thiết kế phù hợp đúng quy mô KCB theo phong cách hiện đại. Hiện nay, mỗi ngày BV Nam Đông thu hút 100-150 lượt đến khám và điều trị nội trú. Nhiều kỹ thuật mới cũng được triển khai, như mổ thai lần 1, lần 2; mổ ruột thừa cấp viêm, mổ kết hợp xương các loại, cắt sỏi túi mật... góp phần giảm tải cho tuyến trên. Khuôn viên, sân vườn của BV Nam Đông hiện nay như một công viên xanh; các phòng khoa sạch đẹp, gọn gàng; đội ngũ cán bộ, nhân viên tiên phong đổi mới phục vụ, tiếp đón làm hài lòng bệnh nhân.

Y sĩ Diệp Thị Vân, Khoa Ngoại sản, BV Nam Đông nhận xét, bác sĩ Thư là người lãnh đạo chuẩn mực, vui vẻ và chan hòa với đồng nghiệp. Mọi suy nghĩ, việc làm bác sĩ Thư không ngoài mục đích vì tập thể, vì người bệnh.

Bác sĩ Thư bảo, bà con dân tộc Nam Đông còn nghèo, còn nhiều trở lực tiếp cận các dịch vụ y tế tốt như miền xuôi. Vì thế, ông cũng như các đồng nghiệp luôn cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình, tạo niềm tin với người bệnh.

Bài, ảnh: Minh Văn