Người lao động được giới thiệu về thông tin việc làm và các chính sách pháp luật liên quan. Ảnh: XM

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về tình hình thực hiện Luật Việc làm; trong đó có kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát luật, tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BH thất nghiệp.

Luật Việc làm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu, phát triển đối tượng, thụ hưởng chính sách, chế độ BH thất nghiệp và hạn chế tình trạng trực lợi quỹ BH thất nghiệp.

Ngay sau khi Luật Việc làm được thông qua, BHXH Việt Nam đã bám sát nội dung của Luật và thực tiễn triển khai tích cực, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Từ hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn triển khai được ban hành đã tạo điều kiện cho cơ quan BHXH tổ chức thu và chi trả; cơ quan lao động giải quyết các chế độ BH thất nghiệp cho người lao động. Thủ tục đóng BH thất nghiệp ngày càng được đơn giản, thuận tiện cho tham gia. Số người tham gia BH thất nghiệp đều tăng qua các năm. Năm 2015, toàn quốc có 10,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 11,83% so với năm 2014. Năm 2018, số người tham gia BH thất nghiệp tăng tăng lên 12,68 triệu người. Tốc đố tăng bình quân số người tham gia BH thất nghiệp năm 2015 đến năm 2018 gần 6%/năm.

Bên cạnh đó, số thu BH thất nghiệp luôn vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Số nợ BH thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2018 giảm đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2014, đặc biệt là khi ngành BHXH được giao thêm chức năng thanh tra đóng BH thất nghiệp. Cơ quan BHXH cũng tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng (ATM) hoặc nhận tiền mặt tại đại lý chi trả, tạo thuận lợi cho người hưởng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; từ đó, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ. Cụ thể  như: Vẫn còn sự thiếu đồng nhất trong xác định, quản lý đối tượng tham gia, theo dõi thu BH thất nghiệp đối với đơn vị sử dụng lao động; vẫn diễn ra tình trạng trốn đóng BH thất nghiệp; còn tình trạng người lao động trục lợi quỹ BH thất nghiệp…

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện chính sách BH thất nghiệp tại địa phương; trong đó tập trung đẩy mạnh truyền thông về các chính sách BH thất nghiệp.

Theo TTXVN