Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà trao quyết định ngạch chuyên viên chính cho các học viên. Ảnh: Anh Phong

Hạn chế tiêu cực, lợi ích nhóm

Tiêu chuẩn chung quy định đối với lãnh đạo là bắt buộc, nhưng trong thời điểm hiện nay thì đạo đức trong sạch phải là một tiêu chí cốt lõi. Tiêu chuẩn đó phải được đặt lên hàng đầu khi chúng ta đang quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XI), Nghị quyết TW 4, 7 (khóa XII) và định hướng chỉ đạo củng cố sức mạnh của tổ chức Đảng.

Muốn được như vậy, công tác tổ chức cần được xem xét từ nhiều khía cạnh, cả quá trình trước và sau khi được bầu vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Chúng ta cần xem lại nguyên nhân của những nhiệm kỳ trước tại sao lại phát sinh ra nhiều tiêu cực, tham nhũng như vậy. Nhiều dự án bị đắp chiếu, thua lỗ, thất thoát tạo ra những hệ lụy mang tầm quốc gia; những con số tham nhũng tiền tỷ, hàng chục tỷ không còn là cá biệt. Phải chăng cán bộ lãnh đạo cấp cao được trao quá nhiều quyền lực dẫn đến lợi dụng vô phép, vô cương, tha hóa, biến chất? Những cán bộ bị dính vào chủ nghĩa cá nhân, không giữ được liêm khiết là những con “sâu lẻ”, khi liên kết với nhau theo lợi ích nhóm thì trở thành “sâu bầy”. Con sâu đơn lẻ đã là nguy hại, nhưng khi chúng đã câu kết lại trong những nhóm lợi ích thành bầy sâu thì gây nguy hại cho xã hội gấp bội lần. Những nhóm lợi ích bị bóc gỡ trong những năm vừa qua không chỉ gây hậu quả xấu cho xã hội mà còn làm giảm sút uy tín, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Sức mạnh của “quyền lực đen” đã bất chấp mọi quy định, nguyên tắc, điều lệ của Đảng, phẩm chất cốt yếu của người lãnh đạo.Nguy cơ chủ nghĩa thân hữu, cá nhân, tự diễn biến, tự chuyển hóa, mất dần tính Đảng của người đảng viên bắt nguồn từ đây.

Một đất nước mà những “bầy sâu” tham nhũng hoành hành trở thành hiện tượng tiêu cực, thiếu liêm chính, vô liêm sỉ, làm cản trở con đường phát triển của đất nước.Chính họ đã gây nên bất công, bất hòa, tạo ra hoài nghi, thiếu tin tưởng của cán bộ và Nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Những kẻ như Vũ Nhôm, Út Trọc kéo theo một loạt tướng của quân đội, công an, lãnh đạo cao cấp của Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh bị kỷ luật, bị khởi tố. Một Trịnh Xuân Thanh của PVN kéo Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng bị lãnh án tù, bị kỷ luật “cách” hết mọi chức vụ. Những vụ thất thoát nghiêm trọng ở một số ngân hàngđang còn là những bài học nóng hổi. Nhiều đại án nêu ra càng thấy đau lòng khi mà tiền của Nhà nước, của dân bị bòn rút quá mức. Tuy nhiên, đây chỉ mới là phần phát lộ của những tảng băng chìm. Vẫn ẩn chứa đâu đó những bầy sâu đang từng ngày làm mục ruỗng công quỹ, làm băng hoại giá trị đạo đức. Vũ Nhôm, Út Trọc dám lộng hành thì đằng sau là những anh Ba, anh Tư, bác Sáu, chú Năm trong thế lực ngầm. Đó chính là những bóng mây đen che khuất ánh mặt trời, những kẻ quyền lực lớn che chở, chống lưng cho các nhóm lợi ích. Những thế lực đó đã tàn phá biết bao công sức xây dựng, vun đắp giá trị tốt đẹp của các thế hệ lãnh đạo lớp trước.

Một vài giải pháp cần thiết

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo có phẩm chất trong sáng không dễ khi mà tác động của xã hội và lòng tham trong mỗi con người lấn át lý trí, tự trọng. Lãnh đạo không trong sáng, có biểu hiện tiêu cực thì không thể chỉ đạo cấp dưới nghiêm túc, liêm khiết, trong sạch.Nếu họ nghiêm túc, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, liêm sỉ, trong sáng thì cấp dưới không thể tự tung, tự tác, bòn rút, vơ vét. Như vậy, tính chất quyết định trong công tác cán bộ là khâu lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí người lãnh đạo, người đứng đầu. Khi có dấu hiệu tiêu cực cần có biện pháp chỉ đạo, thay thế, điều chuyển kịp thời không để kéo dài ảnh hưởng đến uy tín chung.

Chúng ta đang hoàn thiện từng bước pháp luật trong Đảng và toàn xã hội nhằm bịt kín mọi sơ hở của cơ chế dễ phát sinh tiêu cực. Cần sửa đổi chính sách, cơ chế trong các lĩnh vực nhạy cảm nhất là về quản lý đất đai, tài chính, thanh tra, bổ nhiệm cán bộ... nhằm triệt tiêu lợi dụng đặc quyền trong hoạt động công vụ. Những ai trượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý đều phải được xử lý nghiêm minh, không ngoại lệ, không có vùng cấm.Những quy định, cơ chế mới ban hành, cùng với xử lý hàng loạt cán bộ trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, đòi hỏi phải duy trì thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa.

Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng. Lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của Nhân dân để xem xét uy tín, đạo đức và năng lực của từng lãnh đạo. Không loại trừ những dư luận xuyên tạc, bôi nhọ thì những câu chuyện tiếu lâm, những câu vè thời hiện đại đều ẩn chứa thực tế về tiêu cực của một số lãnh đạo cụ thể, một bộ phận không nhỏ cần được nghiêm túc trong thanh tra, giám sát của tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng.

Trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”. Những lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới rất cần những con người trong sạch như yêu cầu Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị mới ban hành.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH