“Sáng dậy nấu cơm, mợ vò sẵn cho mạ ấm chè rồi đi làm, có mất bao nhiêu thời gian đâu. Răng để mạ phải tối ngày cầm ca sang nhà hàng xóm xin nước uống. Người không biết, còn tưởng cậu mợ không chăm lo được cho mạ miếng cơm ly nước”.

“Lần nào tui ghé về thăm, cũng nghe mạ kêu đói. Mạ than, cậu mợ toàn “quên” cho mạ ăn. Trưa nay lúc tui đi ngang quán bún đầu xóm, có người còn níu tay tui, kể lúc sáng mạ ra đầu xóm chơi. Thấy mạ cứ kêu đói, họ liền mời mạ ăn. Mạ ăn hết tô bún to ú ụ mà còn muốn ăn thêm tô nữa. Sợ mạ tức bụng, nên họ không dám cho ăn thêm. Mợ coi răng chơ thời buổi chừ, cơm gạo có thiếu mô mà để mạ đói khát rứa”. Mỗi câu người chị chồng nói ra, cứ như cái tát vô hình, tát lên mặt thím Quyên.

Đây không phải lần đầu thím nghe người chị chồng trách móc chuyện vợ chồng thím không chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng. Thím biết người chị chồng thương mạ, nhiều khi nghe mạ tố khổ thì xót ruột, cứ nhảy dựng lên, nói cho đã. Thím biết, thím hiểu là một chuyện, nhưng lòng thím cứ thấy buồn, thấy tủi là chuyện khác. Mà tánh thím hiền lành, ít nói, lại hay nhẫn nhịn, phân bua một đôi lần, mà chị chồng không hiểu, thím thôi không nói nữa. Có khi nghe chị chồng trách, vợ chồng thím ở nhà của cha mạ, làm ăn trên đất của cha mạ. Cha đã mất, còn mỗi mạ lại không phụng dưỡng cho chu toàn, thím chỉ biết ứa nước mắt. Có khổ trong lòng mà nói chẳng ai tin.

Mẹ chồng thím năm nay đã tám mươi tuổi. Bà không những đổi tính, mà bắt đầu lú lẫn, nên ăn rồi nói chưa ăn, bụng vừa ăn no nhưng gặp người vẫn than đói là chuyện thường. Bà bảo con cháu toàn cố tình giặt áo quần bà không sạch, nên bà muốn tự mình làm lấy, ai đụng vào cũng không cho. Nước thì đầy trong ấm, nhưng bà cứ cầm ly không rồi than: “đến nước cũng không có một giọt mà uống, lấy đâu ra cơm mà ăn”.

Sống với người già, biết mạ chồng ngày càng lẫn, nên bà có trách móc gì, thím cũng không để bụng. Nhưng mỗi lần nghe chị chồng oán trách, mười lần như chục, thím đều thấy ruột gan tê tái hết. Thím than với chồng, mỗi lần chị hai sống ở làng bên ghé qua thăm mạ, lúc nào cũng tiếng bấc tiếng chì khiến thím thấy nặng lòng ghê gớm. Chồng thím lại cười xề xề, “không sống với người già nên làm sao biết. Để lúc nào o hắn ở với mạ vài ba ngày là rõ thôi. Lúc đó mới biết “thế nào là lễ độ”.

Không ngờ chồng thím nói vậy mà trúng chóc. Đứa con gái đầu của thím lấy chồng ở Đà Lạt, vừa xây nhà xong. Chúng mua vé để vợ chồng thím vào mừng nhà mới, luôn tiện thăm con cháu. Con trai út của thím trọ học dưới phố, nên vợ chồng thím đành nhờ người chị chồng đón mạ về chăm sóc ít hôm. “O chịu khó chăm sóc mạ ít bữa, vợ chồng tui ra, lại đón mạ về”, chồng thím nhờ cậy người chị gái. “Cậu mợ yên tâm. Tui mà chăm sóc mạ, chỉ dăm ba bữa là mạ đỏ da thắm thịt thôi”. Chồng thím chỉ cười cười.

Hôm vợ chồng thím sang làng bên đón mạ về, người chị chồng kéo tay mợ, giọng nói ngập ngừng, mặt cũng đầy vẻ xấu hổ: “Mợ. Tui xin lỗi. Không ngờ mạ lại trái tính trái nết rứa. Lâu nay tui toàn trách lầm mợ. Mong mợ bỏ qua cho. Trước đây tính mạ mô có như rứa. Không ngờ mạ lẫn thật rồi”, người chị chồng nói mà mặt buồn hiu.

Chồng thím nhìn chị gái cười cười: “Chừ thì o hiểu rồi hen”. Người chị chồng cười áy náy. Thím cũng cười, trong lòng như cất được một gánh nặng. Nhẹ nhõm hẳn.

Hồ Linh