Du khách tham quan cầu ngói Thanh Toàn
Lượng khách tăng
Theo đó, 5 ĐDL được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (TP. Huế); cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy); làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên – tranh dân gian Làng Sình (Phú Vang) và ĐDL sinh thái Đầm Chuồn (Phú Vang).
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, khi được công nhận, các ĐDL cơ bản đáp ứng được những tiêu chí về kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch. Các điểm cũng đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. “Việc được công nhận như lời khẳng định, điểm đến có tài nguyên du lịch và đảm bảo các yêu cầu để phục vụ du khách tốt nhất khi đến Huế”, ông Sanh nhấn mạnh.
Quá trình chuẩn bị để trở thành ĐDL đã góp phần tăng thêm các dịch vụ cho điểm đến. Đồng thời, khi đã được công nhận, các dịch vụ trước đây cũng được đầu tư nhằm nâng chất lượng. ĐDL có quản lý, tính an ninh, an toàn theo đó được nâng cao hơn so với trước.
Ngoài việc khẳng định thương hiệu của điểm đến, khi được công nhận, các ĐDL được quảng bá bằng nhiều hình thức. Không chỉ quảng bá theo các kênh của ngành du lịch, tại các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước, các điểm cũng được mời để tham gia, quảng bá hình ảnh. Đây là cơ hội để các ĐDL kêu gọi đầu tư.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist, doanh nghiệp trực tiếp khai thác nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều và ĐDL đầm Chuồn thông tin: Truyền thông tốt, do đó lượng khách tăng khá nhiều so với trước, như ở đầm Chuồn những tháng vừa qua, khách nội địa tăng nhiều lần.
Một điều được các nghệ nhân, người dân tại các ĐDL phấn khởi là từ khi được công nhận, hạ tầng được quan tâm đầu tư. Cụ thể như ở Phú Mậu, nơi làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên – tranh dân gian làng Sình, hàng loạt bến thuyền phục vụ đậu đỗ thuyền rồng khi đưa khách về được xây dựng mới, giúp phục vụ khách hiệu quả và tạo cảnh quan khang trang cho làng Sình và Thanh Tiên.
Thông tin từ Hội Lữ hành, tại các ĐDL kể trên, số lượng doanh nghiệp khai thác tour cũng tăng. Đơn cử như tour Thủy Biều – Tam Giang, tour du lịch tâm linh, hành hương đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, hay tour đạp xe về làng Sình được nhiều đơn vị khai thác… đưa khách về các điểm, giúp tăng tính đa dạng cho du lịch Huế.
Cần tận dụng cơ hội
Để các ĐDL đã được công nhận tăng khả năng phục vụ du lịch, hạ tầng cần được ngành du lịch và các địa phương đầu tư, nâng cấp. Như ở Thủy Biều, chủ yếu là đường liên xóm, hệ thống cống rãnh chưa có, nước tràn qua đường khi có mưa, ảnh hưởng đến các hoạt động đón khách. Hay con đường chính dẫn vào Thủy Biều, xe khách loại lớn không thể tiếp cận, cần được sớm khắc phục.
Để duy trì và thu hút đầu tư thì buộc các điểm phải được nâng cấp hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Việc các điểm đến càng có nhiều dịch vụ sẽ càng tăng hấp dẫn cho chính ĐDL nói riêng và du lịch Huế nói chung.
Ông Lê Ngọc Sanh cho biết, tỉnh ta chuẩn bị thông qua quy chế hỗ trợ các ĐDL cộng đồng. Việc tăng nguồn lực để đầu tư hạ tầng, sản phẩm du lịch… là thời cơ không thể tốt hơn để các ĐDL phát triển, thu hút thêm lượng khách.
Ông Trần Quang Hào cho rằng, một điều mà ngành du lịch và địa phương cần thực hiện là sớm có quy hoạch và định hướng phát triển tại các ĐDL cũng như vùng lân cận. Chỉ khi có định hướng rõ ràng, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư thêm các dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách.
Đại diện Hiệp hội Du lịch cũng góp ý, việc công nhận các ĐDL là cần thiết, tuy nhiên, khi đã công nhận, đòi hỏi phải đảm bảo được các tiêu chí để có thể phục vụ khách tốt nhất, nên cần có sự chọn lọc và thẩm định đúng, đặc biệt hai tiêu chí là hạ tầng giao thông và dịch vụ du lịch.
Theo quy định, để được công nhận là điểm du lịch, phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện: - Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ. - Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch: có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; có điện, nước sạch; có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm. - Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm: có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật. |
Bài, ảnh: Quang Sang