Khoảng 464.000 người trên khắp thế giới là nạn nhân của bạo lực giết người trong năm 2017. Ảnh: News Minutes

Theo nghiên cứu toàn cầu năm 2019 của LHQ về tình trạng bạo lực giết người, địa điểm an toàn nhất thế giới để sinh sống là ở châu Á, với tỷ lệ tội phạm giết người chỉ ở mức 2,3 trên 100.000 dân. Tiếp theo đó là châu Đại Dương và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 2,8 và 3,0 trên 100.000 người, đều thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 6,1. Ở mức 13,0 tỷ lệ giết người ở châu Phi thấp hơn châu Mỹ (17,2) nói chung. Tuy nhiên, khoảng trống các dữ liệu quan trọng là vấn đề đang tồn tại đối với một số quốc gia châu Phi.

Đáng lưu ý, nghiên cứu của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) chỉ ra rằng, Trung Mỹ là khu vực nguy hiểm nhất để sinh sống khi tỷ lệ số vụ giết người bất hợp pháp tăng cao ở một số “điểm nóng”, có nơi lên tới 62,1 trên 100.000 người.

Tội phạm có tổ chức chiếm gần 1/5 số vụ giết người

Theo thông tin từ ông Yury Fedotov, Giám đốc điều hành UNODC, chỉ riêng loại tội phạm có tổ chức đã chịu trách nhiệm đến 19% tổng số vụ giết người trong năm 2017 và cướp đi sinh mạng của người dân trên toàn thế giới nhiều hơn so với tổng số người tử vong do cả xung đột vũ trang và khủng bố.

Cũng như xung đột bạo lực, tội phạm có tổ chức gây bất ổn cho các quốc gia, làm suy yếu sự phát triển kinh tế xã hội và làm xói mòn luật lệ. Trong bối cảnh đó, ông Fedotov nhấn mạnh rằng trừ khi cộng đồng quốc tế có các bước đi quyết định, Mục tiêu phát triển bền vững 16 – hướng đến giảm đáng kể tất cả các hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan vào năm 2030, sẽ không được đáp ứng.

Nam thanh niên có nguy cơ cao nhất

Từ góc độ giới tính, báo cáo của UNODC cũng phát hiện ra rằng với các nạn nhân từ 9 tuổi trở xuống, tỷ lệ trai - gái gần như ngang bằng nhau. Tuy nhiên, ở tất cả các nhóm tuổi khác, nam giới chiếm hơn 50% tỷ lệ nạn nhân, theo dữ liệu từ 41 quốc gia.

Ở tất cả các khu vực, khả năng bé trai trở thành nạn nhân của các vụ giết người tăng theo tuổi, trong đó những người ở độ tuổi từ 15-29 có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, mặc dù phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ nạn nhân nhỏ hơn nhiều so với nam giới, nhưng họ vẫn chính là nhóm đối tượng phải tiếp tục gánh chịu những tổn thương lớn nhất từ mối quan hệ thân thiết và các vụ giết người liên quan đến bạo lực gia đình. Trong khi đó, hơn 9 trong số 10 nghi phạm của các vụ án giết người là nam giới.

Trong một nỗ lực nhằm giúp các chính phủ giải quyết vấn nạn bạo lực giết người, báo cáo của UNODC đã xác định một số nguyên nhân của vấn đề, đáng lo ngại nhất là tội phạm có tổ chức, ngoài ra chúng còn bao gồm việc sử dụng súng, ma túy và rượu, tình trạng bất bình đẳng, thất nghiệp, bất ổn chính trị và định kiến ​​giới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN)