Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: CNN
Băng nhóm được cho là đã kiếm được hơn 2 triệu Bảng Anh (khoảng 2,5 triệu USD) từ việc buôn bán người từ Phần Lan.
5 người đàn ông và 3 phụ nữ, tất cả đều từ Phần Lan, đã bị kết án tổng cộng hơn 55 năm tù. Một số đã bị kết án từ tháng Hai, nhưng lệnh cấm đưa tin về vụ việc đã hạn chế tên tuổi của chúng bị tiết lộ cho đến thứ Sáu vừa qua (5/7).
Cảnh sát ước tính có tổng cộng khoảng 400 nạn nhân, độ tuổi từ 17 đến hơn 60. Họ được hứa hẹn về cơ hội việc làm và chỗ ở ở Anh, nhưng lại bị ép làm việc ở nông trại và trung tâm tái chế rác thải tại vùng West Midlands và phần lớn số lương phải nộp lại cho bọn buôn người. Một số nạn nhân đã phải làm việc với đồng lương ít ỏi: 50 xu Anh (63 xu Mỹ) một giờ.
Họ bị bắt phải sống trong những khu nhà đổ nát, một số thậm chí còn không có nhà vệ sinh hay lò sưởi. Một số nạn nhân cho biết họ còn bị ép phải giặt rửa bằng nước ở kênh rạch và phải ăn thức ăn hết hạn; một số còn bị đánh đập.
Bị đối xử như “hàng hóa”
Cảnh sát bắt đầu điều tra từ tháng 2/2015, sau khi hai nạn nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ và được tổ chức từ thiện Hope for Justice giúp đỡ.
Cảnh sát trưởng, cán bộ điều tra cấp cao Nick Dale nói băng nhóm này đã đối xử với nạn nhân như “thứ hàng hóa để phục vụ lòng tham của chúng.”
Ông cho rằng nếu nạn nhân chống cự lại, họ sẽ bị đánh đập hoặc bị đe dọa bằng vũ lực và bị đe dọa rằng gia đình họ ở Phần Lan cũng sẽ bị tấn công. Một số nạn nhân còn bị hăm dọa nếu chống cự, họ sẽ bị đưa vào rừng và tự đào mộ cho chính mình.
“Vấn đề nóng”
Tổ chức từ thiện Salvation Army đang tiếp cận và cung cấp chỗ ở cho những nạn nhân sống sót của nạn buôn người và hỗ trợ một số nạn nhân của vụ việc. Bà Emilie Martin, thuộc đơn vị chống buôn người và nô lệ hiện đại của nhóm, nói với CNN rằng nạn buôn bán lao động là vấn đề đang gia tăng ở Anh.
Bà nói: “Trước đây, tổ chức của chúng tôi chủ yếu hướng đến nạn bóc lột phụ nữ và nạn cưỡng bức mại dâm, nhưng dần dần, với nhận thức được nâng cao, mọi người đã bắt đầu chú ý đến nhiều hình thức bóc lột khác nhau và cảnh sát cũng đã nhận thấy việc bóc lột sức lao động đang gia tăng.”
Cô còn cho biết thêm nạn bóc lột ở Đông Âu cũng đang gia tăng rất nhanh.
Theo Báo cáo thường niên về nạn nô lệ hiện đại, 6.837 nạn nhân nô lệ đã được xác định ở Anh trong năm 2017. Nạn bóc lột lao động được báo cáo nhiều nhất, sau đó là lạm dụng tình dục.
Tháng 5/2018, một báo cáo do nhóm nhà lập pháp Anh cho biết nạn buôn bán tình dục đang diễn ra với “quy mô công nghiệp” trên khắp nước Anh và xứ Wales, với số lượng lớn phụ nữ, chủ yếu đến từ Đông Âu, bị buôn bán vào trong các nhà thổ. Hơn 1/3 số nạn nhân là người Romania.
Báo cáo này cũng cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức bóc lột tình dục phụ nữ ngày càng nhiều hơn.
Năm 2015, Anh đã đưa ra Đạo luật về Nô lệ hiện đại, cung cấp cho các cơ quan điều tra tội phạm công cụ mới để giải quyết vấn đề buôn người, bao gồm bản án chung thân đối với thủ phạm buôn người. Trong một đánh giá độc lập công bố vào đầu năm nay, một nhà lập pháp đã mô tả đạo luật này là “dẫn đầu thế giới”, nhưng vẫn cho rằng có quá ít phán quyết.
Bà Martin cho biết không phải tất cả nạn nhân của nạn buôn lao động đều “nhẹ dạ cả tin”, mà đơn giản là những người tìm việc bị lừa bởi những kẻ buôn người chuyên nghiệp để đến Anh và sau đó bị lạm dụng.
Bà nói: “Một số người có học thức, là những cá nhân có trình độ cao ứng tuyển cho một vị trí bề ngoài có vẻ thực sự tốt, chỉ để nhận ra là bản thân bị rơi vào cảnh bị bóc lột”.
Theo VOV