Rượu bia là chuyện “xưa như trái đất”, ăn sâu trong đời sống của con người. Trong thần thoại Hy Lạp, trước buổi khai thiên lập địa, trước khi có thế gian đã có thần rượu nho Dionysus. Thần dạy con người cách trồng nho và cất rượu, đem lại cho con người sức mạnh và niềm vui sảng khoái. Trong đời sống của người Việt, rượu là một phần không thể thiếu từ trong sinh hoạt tín ngưỡng đến văn hoá và cuộc sống hằng ngày. Cùng với sự phát triển của xã hội, người ta dùng rượu bia ngày càng nhiều. Rượu bia có khi còn là thước đo “đẳng cấp”, là khả năng đối ngoại...

Theo bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, đẩy nước ta trở thành những nước hàng đầu tiêu thụ bia. Với mức tiêu thụ này, mỗi năm chúng ta “uống” tương đương 3 tỉ USD, chưa kể đến những chi phí cho tiêu thụ rượu. Hệ luỵ của việc lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, sức khoẻ mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự xã hội và là nguyên nhân của tai nạn giao thông. Thậm chí có người trở thành con nghiện, sống bê tha, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và cũng là nguyên nhân của 70% vụ bạo lực gia đình…
Trước thực tế đó, việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe con người, phòng chống bệnh tật; góp phần vào an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế các tai nạn giao thông... Với thực tế nước ta, uống rượu bia ăn sâu trong đời sống xã hội và nếp sinh hoạt của đa số người dân, tác động đến nhiều mối quan hệ xã hội nên việc thay đổi không hề dễ dàng. Vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, luật cần phải sát với thực tế, giải quyết hài hoà các mối quan hệ xã hội và khả năng thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, muốn thay đổi một thói quen lâu đời cần phải có thời gian và áp dụng nhiều biện pháp, từ nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân đến các biện pháp thanh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Muốn làm được điều này, trước tiên cần phải có quy định để có định hướng dẫn dắt hành vi của con người, những bất cập chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. 
Bài học về quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay cấm hút thuốc lá nơi công cộng ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dần đi vào nề nếp và phát huy tác dụng. Với việc hạn chế tác hại của rượu bia cũng vậy, cần có lộ trình phù hợp để mọi người làm quen và dần dần trở thành tự giác. Đây mới là kết quả bền vững và có ý nghĩa hơn các biện pháp hành chính khô khan cấp thời.
Hoàng Giang