Biến đổi khí hậu khiến nhiều nơi trên thế giới không thể sinh sống được. Ảnh: Time Magazine

Báo cáo của LHQ chỉ rõ rằng biến đổi khí hậu đang làm cạn kiệt nguồn cung thực phẩm, nước và làm ảnh hưởng đến nơi con người sinh sống, gây nguy hiểm cho kế hoạch của LHQ nhằm giải quyết các vấn đề thế giới vào năm 2030. Trước đó, vào năm 2015, các quốc gia thành viên của LHQ đã nhất trí thông qua 17 mục tiêu phát triển toàn cầu (SDGs), đề ra một danh sách bao phủ "những việc cần làm" nhằm giải quyết các vấn đề đáng lo ngại như xung đột, nạn đói, xói mòn đất đai, bất bình đẳng giới và biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo mới nhất được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp và quan chức đang nhóm họp tại diễn đàn cấp cao của LHQ để đánh giá tiến triển của các mục tiêu, biến đổi khí hậu được xem là "thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thư ký của LHQ về các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin nhấn mạnh, vấn đề khẩn cấp nhất cần phải hành động hiện nay chính là biến đổi khí hậu. Theo ông, tác động tổng hợp của vấn đề này là các thảm họa với hậu quả không thể đảo ngược, trong bối cảnh các sự kiện thời tiết cực đoan đang ngày càng tăng, thiên tai và xói mòn đất ngày càng nghiêm trọng hơn. "Những hiệu ứng này sẽ khiến nhiều nơi trên thế giới trở nên không thể sinh sống được, và người nghèo là nhóm đối tượng bị tác động nhiều nhất", ông cảnh báo.

Liên quan đến các vấn đề khác, báo cáo cho biết nhiều tiến bộ đã được thực hiện để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tăng tỷ lệ tiêm chủng và tiếp cận với nguồn điện trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng nghèo cùng cực, nạn đói và bất bình đẳng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết khi hơn một nửa số trẻ em ở độ tuổi đi học gặp khó khăn trong việc đọc và làm toán, mặc dù 2/3 số trẻ em đó đã được đến trường. Về vấn nạn buôn người, tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi từ mức trung bình 150 nạn nhân/quốc gia được phát hiện vào năm 2010 lên tới 254 nạn nhân vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo các quan chức LHQ, giữa những lo ngại nêu trên, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề quan trọng nhất cần được lưu tâm khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn đang tiếp tục gia tăng và "biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán", báo cáo nêu rõ. Tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tuần này, 47 quốc gia tham dự dự kiến ​​sẽ tự đưa ra các đánh giá về tiến trình thực hiện SDGs và những thành tựu đạt được.

Trước đó, các báo cáo của LHQ cho biết các mục tiêu phát triển bền vững đang bị đe dọa bởi sự dai dẳng của bạo lực, xung đột và thiếu đầu tư tư nhân. Đánh giá từ các tổ chức khác cũng cho rằng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và thiếu kinh phí tài trợ là những trở lực để đạt SDGs. Theo ước tính của LHQ, chi phí thực hiện các mục tiêu toàn cầu là khoảng 3.000 tỷ USD/năm.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & Reuters)